Khởi nghiệp với… chữ

GD&TĐ - Tốt nghiệp ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Cần Thơ năm 2016 nhưng anh Khưu Thiện Nhân lại theo đuổi sự nghiệp “viết chữ” để phục vụ giấc mơ “rong chơi” khắp Việt Nam và làm công tác thiện nguyện. Anh là một trong những người trẻ tiên phong tìm kiếm con đường thương mại hóa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật được tạo thành từ chữ Việt.

Bức thư họa bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh
Bức thư họa bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh

Khổ luyện với thầy giỏi

Anh Khưu Thiện Nhân

Năm 2013, trong một chuyến đi phượt bằng vespa từ Cần Thơ ra Hà Nội, chàng sinh viên Khưu Thiện Nhân đã kết thân với người bạn vong niên là nhà thư pháp trẻ Trần Duy Trình. Biết Thiện Nhân có mối quan tâm về văn hóa và ngôn ngữ, anh Trình bèn gợi ý anh Nhân tham gia sinh hoạt với các hội nhóm chơi cổ phục, cổ nghệ, tìm hiểu kiến trúc xưa và viết chữ Hán Nôm. Tuy nhiên, sau gần một năm tham gia các hội nhóm, chàng sinh viên này chỉ ấn tượng với lối viết chữ thư pháp của anh Trần Duy Trình. Trong một lần uống trà sáng, anh Nhân ngỏ ý được người anh lớn nhận làm “đệ tử” và xin theo học chữ. Không cần suy nghĩ, anh Trình đồng ý ngay.

Bây giờ, anh Nhân kể lại: “Anh Trình không chỉ biết viết chữ mà còn am hiểu tường tận lịch sử, văn hóa, cấu trúc chữ, bố cục trình bày của một văn bản thư pháp. Tính anh rất dè dặt, mặc dù anh tài hoa nhưng vẫn thích sống điền viên, ẩn dật. Ba mươi mấy tuổi rồi vẫn ở nhà phụ mẹ bán cơm. Được anh chỉ dẫn quả là một may mắn. Sau ba tháng, tôi đã có thể rành rẽ cách sử dụng các loại bút và viết được bức thư pháp cơ bản”. Gặp “thầy” khắt khe nên anh Nhân mau chóng tiến bộ. Anh Trình chỉ hướng dẫn đường nét cơ bản chứ không cho phép anh Nhân sao chép nguyên mẫu phong cách thể hiện của mình, vì theo anh Trình, như vậy là giết đi tính sáng tạo. Mỗi ngày, anh Trình đặt ra nguyên tắc: anh Nhân phải tự lấy rượu mài mực, tập viết đi viết lại những chữ cơ bản suốt một tiếng đồng hồ. “Cách làm như vậy giúp cho tôi rèn luyện tính “nhẫn” của bản thân. Theo anh Trình, những kẻ vừa mới có một chút “tài hoa” thường hay mắc bệnh “ba hoa”, nên phải rèn giũa từ cái cơ bản nhất”, anh Nhân nói.

Từ cuối năm 2015, anh Nhân đã được “sư phụ” đánh giá là “vượt qua khóa học”. Thời gian đầu, anh thường tận dụng kỹ năng viết chữ điêu luyện học được để tham gia vào hoạt động văn hóa văn nghệ trong trường Đại học, nhất là các dịp lễ tết lớn. Không chỉ viết chữ thư pháp, anh Nhân còn nghiên cứu cách sử dụng bút máy bơm mực để viết chữ tiếng Việt gãy gọn và sống động. Sau khi tốt nghiệp, anh Nhân dự định xin làm công tác phiên dịch thương mại để kiếm tiền phục vụ cho “thú chơi tao nhã”, nhưng anh không thể ngờ rằng, chính “thú chơi” mới chính là nghề nghiệp đích thực của cuộc đời mình.

Bỏ việc văn phòng, đi... “viết dạo”

Ra trường, Khưu Thiện Nhân nộp đơn ứng tuyển và được nhận vào làm công việc phiên dịch và hỗ trợ hành chính cho một công ty nước ngoài ở TPHCM. Với mức lương khởi điểm cao ngất 17 triệu/tháng nhưng áp lực tương đương khiến Nhân không còn thời gian để nuôi dưỡng đam mê của mình. “Đang lúc khó khăn tìm cách quân bình giữa công việc và thú vui riêng tư thì tôi gặp lại anh Trình ở TPHCM. Anh Trình gợi ý có một số chỗ cần người trang trí thư pháp theo hợp đồng ở Long An, nếu thích làm thì anh giới thiệu. Công việc thực hiện vào ngày cuối tuần, vừa có thêm thu nhập, vừa có cơ hội rèn luyện ngòi bút nên tôi đồng ý ngay”, anh Nhân hào hứng kể. “Khách hàng” ở Long An là một đại gia đang cần người viết thư pháp đẹp, viết chữ sống lên bộ liễn tứ quý để treo giữa khu từ đường mới khánh thành. Sau khi từ chối nhiều người viết thư pháp vì “nét chữ không có hồn”, ông chấp nhận kiểu chữ và bố cục do Nhân trình bày. Nhân kết hợp với “sư phụ” làm cật lực trong suốt 2 tiếng đồng hồ, hợp đồng đó Nhân được trả 5 triệu đồng. “Sư phụ” lấy phần tiền của mình mua tặng Nhân bộ văn phòng tứ bảo “xịn”, bảo rằng giữ lấy sau này có dịp dùng đến.

Từ lần đó, cứ lâu lâu Nhân lại được anh Trình chia sẻ “mối mang” trong nghề, mặc dù anh không bao giờ ra mặt nhận lãnh trực tiếp. Dần dà, tiếng lành đồn xa, mỗi tháng đều có người nhờ Nhân “cho chữ” hoặc trang trí thư pháp, công việc có khi không trùng vào ngày thứ bảy và chủ nhật khiến cho Nhân phải suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, sau gần một năm đi làm, Nhân chính thức nộp đơn xin nghỉ việc, một mình một xe rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây và khu vực lân cận TPHCM hành nghề “viết dạo”. “Tôi không thích mỹ miều hóa công việc của mình, nên gọi đó là “viết dạo”. Ít ai nghĩ rằng một sản phẩm văn hóa như chữ viết nghệ thuật cũng cần được thương mại hóa. Khi có yếu tố kinh tế thì người nghệ sĩ mới có động cơ sáng tạo. Tất nhiên, người khác lại nói tôi chạy theo đồng tiền “bán rẻ” thú vui tao nhã, nhưng tôi nghĩ rằng nghề nào cũng có chuẩn mực của nó, ăn thua do lương tâm của mình. Chắc chắn không ai viết ẩu mà ra chữ đẹp và không ai không bỏ công suy nghĩ mà có thể ra được bố cục, ý tưởng mới cả”, Khưu Thiện Nhân nhận định.

Anh Nhân đang thi triển bút pháp
Anh Nhân đang thi triển bút pháp

Chu du đó đây và làm thiện nguyện

Công việc của Nhân là phải đi. Thông tin và số điện thoại của Nhân công khai trên facebook. Khách hàng cần alo một tiếng là Nhân có mặt. Nhiều lúc Nhân mới làm ở Tây Ninh xong đã có khách điện thoại gọi về… Bạc Liêu trong chiều mai. Nhân nhận trang trí ngoại thất bằng chữ thư pháp, thư họa lên tường của quán cà phê, tường ngoài sân vườn hoặc vẽ câu đối lồng kính trong từ đường.

Ngoài ra, chàng trai này còn trang trí vật dụng gia đình, xe vespa, xe hơi cổ theo yêu cầu. Nhân tâm sự rằng: “Sau này, tôi bắt đầu nghiên cứu cách viết và trình bày chữ tiếng Việt, nhiều người viết lại gia phả hoặc thư tịch cổ thuê tôi viết theo thời vụ. Những quán cà phê không chuộng thư pháp mà chuộng kiểu chữ Roman, kiểu chữ Việt hồi thập niên 1970-80, kiểu bố cục inforgraphic cũng nhờ tôi. Nói chung, công việc này có thể bấp bênh theo suy nghĩ của nhiều người nhưng đổi lại là bản thân tôi cảm thấy vui và rất hài lòng”.

Nhân tiết lộ rằng, trung bình mỗi tháng có khoảng 4 - 5 hợp đồng lớn và vài sự vụ nhỏ lẻ, đôi lúc Nhân làm giúp không lấy tiền. Mỗi hợp đồng như vậy trừ tiền công di chuyển, tiền vật tư, Nhân được trả thù lao từ 2 - 5 triệu đồng, vị chi mỗi tháng cũng kiếm được từ 10 - 15 triệu đồng. Bù lại, Nhân được chu du trên khắp nẻo đường của đất nước để thăm thú cảnh vật và giao lưu với con người. Nhân kể rằng, chuyến đi làm xa nhất của mình là tới tận Bình Định, nơi có một ngôi chùa khá lớn thuê anh viết thư pháp và vẽ thư họa chủ đề Phật giáo lên các bức tường trống ngoài hậu viên và sân chùa.

Riêng những ngày lễ tết âm lịch, thu nhập của Nhân cũng tăng gấp đôi gấp ba lần nhưng cực hơn rất nhiều vì thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Những sản phẩm thư pháp và thư họa của Nhân như Đường xưa mây trắng (chủ đề Phật giáo), Theo gió trở về (chủ đề thiên nhiên), Mộng giác (chủ đề siêu thực), Mùa vàng (chủ đề Xuân)… được đưa vào các buổi đấu giá nhỏ tổ chức tại chùa hoặc thông qua các tổ chức xã hội để quyên góp cho các bệnh nhân nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và người nhà neo đơn. Thỉnh thoảng, Nhân còn trích phần thu nhập tiết kiệm của mình để tự tay gửi quà đến các địa chỉ cần giúp đỡ.

Hiện tại, anh đang nhập về bán thêm các loại bút máy bơm mực như Parker, Pistol, Pilot… cho các khách hàng có thú vui tập viết chữ. Theo anh, phần thu nhập này không đáng bao nhiêu nên anh đóng góp toàn bộ vào công tác từ thiện.

“Tôi không thích mỹ miều hóa công việc của mình, nên gọi đó là “viết dạo”. Ít ai nghĩ rằng một sản phẩm văn hóa như chữ viết nghệ thuật cũng cần được thương mại hóa. Khi có yếu tố kinh tế thì người nghệ sĩ mới có động cơ sáng tạo. Tất nhiên, người khác lại nói tôi chạy theo đồng tiền “bán rẻ” thú vui tao nhã, nhưng tôi nghĩ rằng nghề nào cũng có chuẩn mực của nó, ăn thua do lương tâm của mình. Chắc chắn không ai viết ẩu mà ra chữ đẹp và không ai không bỏ công suy nghĩ mà có thể ra được bố cục, ý tưởng mới cả”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.