Xác định giá đất và những bất cập

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những bất cập trong xác định giá đất và phương pháp định giá đất chưa phù hợp, chưa sát với giá thị trường vừa qua đã gây nhiều hệ lụy tiêu cực.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Những bất cập trong xác định giá đất và phương pháp định giá đất chưa phù hợp, chưa sát với giá thị trường thời gian qua đã gây nhiều hệ lụy tiêu cực, dẫn đến tham nhũng, ảnh hưởng đến chính sách đất đai của Nhà nước và gây rối loạn thị trường bất động sản...

Nguyên nhân là do thị trường quyền sử dụng đất chưa minh bạch; thông số đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất thiếu chính xác, thiếu độ tin cậy. Hơn nữa, các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện chủ yếu bằng tiền mặt; nhiều loại đất, khu vực không có thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khó thu thập.

Chưa có kênh thông tin chính thống, đủ tin cậy, đáp ứng yêu cầu các phương pháp định giá đất, phản ánh kịp thời chính xác các biến động của giá thị trường. Ngoài ra, có nguyên nhân về quy định về các phương pháp xác định giá đất cụ thể chưa thực sự rõ ràng và hợp lý, dẫn đến tình trạng các địa phương có thể “tùy nghi” lựa chọn phương pháp định giá đất…

Để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong xác định giá đất, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 634/CĐ-TTg trong đó tiếp tục yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT phải hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 về quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất trước ngày 31/7/2023.

Trước ngày 31/7/2023, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dứt khoát không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và quy định của pháp luật.

Thường xuyên theo dõi, kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai đẩy mạnh công tác định giá đất, quyết định giá đất. Thành lập tổ công tác của Bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vướng mắc về định giá đất của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo công tác định giá đất, quyết định giá đất theo thẩm quyền, không lòng vòng, không gây phiền hà, chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư. Thực hiện việc ủy quyền cho UBND cấp huyện xác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 6/5/2023 của Chính phủ...

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xác định giá đất thời gian tới. Về lâu dài, vấn đề mấu chốt vẫn là “giải bài toán định giá đất” trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì trong Luật Đất đai, khó nhất là vấn đề tài chính đất đai. Trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất. Do đó, trong Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định về nguyên tắc xác định giá đất cũng như phương pháp xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến...

Định giá đất là bài toán khó. Và để giải được bài toán này, cần rà soát, đồng bộ các quy định pháp luật về định giá đất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ