Giá đất nền tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng giảm

GD&TĐ - Tại nhiều địa phương, phân khúc bất động sản biệt thự, đất nền dự án có xu hướng giảm giá và ít có giao dịch do giá cao trước đó.

Giá đất nền tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng giảm

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý I năm 2023.

Đáng chú ý, phân khúc bất động sản biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương hầu như có xu hướng giảm giá và ít có giao dịch do giá cao trước đó và niềm tin của khách hàng vẫn còn thấp, cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác.

Trong đó, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý I/2023 có xu hướng giảm so với quý trước, chủ yếu ở các địa phương Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hoà với mức giảm khoảng 3,5-7%.

Đối với giao dịch thứ cấp đất nền tại các dự án hiện hữu, mức giảm khoảng 4,5-8%, tập trung nhiều ở các địa phương Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP.HCM.

Tại Hà Nội, biến động giá đất nền dự án cụ thể như sau: Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) giảm khoảng 7,1% (xuống mức 106,6 triệu đồng/m2), The Phoenix Garden (Đan Phượng) giảm khoảng 7,3% (xuống mức 47,8 triệu đồng/m2), Khu nhà ở Minh Đức (Mê Linh) giảm khoảng 10,1% (xuống mức 25,1 triệu đồng/m2).

Tại TP.HCM, biến động giá đất nền dự án trong quý như: Dự án Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2) giảm khoảng 7,2% (xuống mức 124,6 triệu đồng/m2), KDC Kiến Á (Quận 9) giảm khoảng 7,2% (xuống mức 69 triệu đồng/m2), KDC Phú Nhuận - Phước Long B (Quận 9) giảm khoảng 7,8% (xuống mức 69,7 triệu đồng/m2), Gia Long Riverside Nhà Bè (Huyện Nhà Bè) giảm khoảng 6,8% (xuống mức 57,1 triệu đồng/m2), Bình Mỹ Garden (Huyện Củ Chi) giảm khoảng 8,1% (xuống mức 22,6 triệu đồng/m2).

Phân khúc bất động sản biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương hầu như có xu hướng giảm giá và ít có giao dịch do giá cao trước đó.

Phân khúc bất động sản biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương hầu như có xu hướng giảm giá và ít có giao dịch do giá cao trước đó.

Theo thông tin của Bộ Xây dựng, số liệu tổng hợp của các địa phương cho thấy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022.

Cụ thể, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án so với 22 dự án của Quý IV/2022 và 39 dự án của quý I/2022; số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 52 dự án so với 59 dự án của quý IV/2022 và 56 dự án của quý I/2022; số lượng dự án hoàn thành trong quý là 14 dự án so với 28 dự án của Quý IV/2022 và 22 dự án của Quý I/2022.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, nhiều dự án hiện gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất. Nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; về thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định nhưng đã được chuyển mục đích sử dụng đất; về đền bù và giải phóng mặt bằng…

Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Theo kết quả, trong quý I/ 2023 có thêm khoảng 30%-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước, đồng thời ước lượng số Môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.