Câu chuyện của VỤN ART
Được hình thành từ một doanh nghiệp tư nhân làm thú nhồi bông và tuyển dụng những NKT vào làm việc, tư duy của VỤN ART là: “NKT - Sản phẩm không khuyết tật”. Từ đây, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và cộng đồng, những con người dũng cảm này đã tạo ra một mô hình sản xuất kinh doanh mới trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, một doanh nghiệp xã hội vốn là hình mẫu chưa có nhiều ở Việt Nam.
Ông Lê Việt Cường - Giám đốc HTX VỤN ART chia sẻ, sau 7 năm hoạt động đã trở thành một thương hiệu uy tín và tạo việc làm ổn định cho một số NKT. Tuy nhiên, sản phẩm khó làm và bị cạnh tranh gay gắt nên tôi nghĩ rằng cần lập một mô hình mới, mang đến nhiều việc làm hơn cho NKT.
Ý tưởng này đã được chính quyền địa phương ủng hộ, vào đầu tháng 3/2017, ông Nguyễn Văn Trường, khi đó là Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hà Đông đã đề nghị cần phải sáng tạo thêm nghề.
Trước mắt, tổ chức đào tạo nghề tranh ghép vải cho NKT trên địa bàn quận, và ông Trường trực tiếp đào tạo vào các buổi chiều sau giờ làm việc.
Chỉ sau 2 năm, hợp tác xã đã dạy nghề tranh ghép vải cho 35 NKT, trong đó có 16 người được tạo việc làm tại chỗ. Mức thu nhập bình quân của NKT tại công ty là 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra công ty còn đóng 100% BHXH và thuê nhà ở cho những người ở xa.
Với định hướng khôi phục lại các giá trị thẩm mỹ của dòng tranh dân gian truyền thống và chuyển thể sang chất liệu lụa; cách tân từ nguyên mẫu để tạo nên những vẻ đẹp mới.
Mỗi sản phẩm của VỤN ART còn là một câu chuyện hướng đến những giá trị nhân văn, giúp cho doanh nghiệp phát triển thêm các dòng sản phẩm mới như: Túi vải, áo phông, áo dài, ví vải... Các sản phẩm này đủ sức đáp ứng về chuyên môn kỹ thuật cho những đơn hàng quốc tế.
Sản phẩm của VỤN ART đã nhận được 4 sao của chương trình OCOP Hà Nội năm 2019 và được UNESCO đánh giá là một trong những mô hình sáng tạo về văn hóa và giải quyết việc làm bền vững cho NKT cần được nhân rộng.
Tiềm năng và cơ hội
Thực tiễn hoạt động của VỤN ART đã cho thấy, việc đào tạo nghề cho NKT không chỉ là dạy nghề mà đó còn là một liệu pháp tinh thần. Sự thay đổi thấy rõ, NKT đã tự tin, lạc quan hơn, họ có thể chủ động, không còn mặc cảm và phát huy năng khiếu.
Những mô hình dạy nghề giải quyết việc làm cho nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có NKT như VỤN ART đang rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng… Trong khi đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang ngày càng có ý nghĩa to lớn trong việc tạo ra ngành nghề cho lao động nông thôn.
Ông Bạch Quốc Khang, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: Hoạt động sản xuất của các làng nghề đang tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn.
Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn có tốc độ tăng bình quân 8,8% - 9,8%, vì vậy việc phát triển nhóm ngành hàng này được xem là rất quan trọng đối với kinh tế nông thôn hiện nay.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có NKT cũng chính là một nhiệm vụ được đặt ra cho chính quyền các địa phương. Tại Hà Nội đang có khoảng 100 nghìn NKT, trong đó có tới 40% NKT chưa có việc làm ổn định.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, lao động NKT rất cần cù, khéo léo, sáng tạo, đây là những phẩm chất cần có, tạo cơ sở nền tảng, thúc đẩy những giá trị gia tăng.
Những sản phẩm sáng tạo rất phù hợp với trình độ, năng lực và sức khỏe của NKT. Vì vậy, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT gắn với công nghiệp văn hóa là một hướng đi mới để tạo ra giá trị bền vững.
Để phát triển mô hình bền vững, ông Lê Việt Cường mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ quảng bá, phát triển sản phẩm văn hóa sáng tạo; tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực.
Tăng cường vai trò của các tổ chức, hiệp hội trong phát triển hoạt động đào tạo nghề, sáng tạo, sản xuất và phổ biến các sản phẩm dịch vụ văn hóa.