Phát huy thế mạnh để đào tạo nghề cho lao động nông thôn

GD&TĐ - Phát huy thế mạnh của địa phương để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng cho người dân có thể chủ động việc làm, phát triển kinh tế gia đình là một giải pháp hiệu quả đã được thực hiện tại huyện Đà Bắc.

Được đào tạo nghề dịch vụ du lịch, LĐNT có thêm cơ hội tăng thu nhập và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương.
Được đào tạo nghề dịch vụ du lịch, LĐNT có thêm cơ hội tăng thu nhập và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương.

Đào tạo phát triển mô hình du lịch cộng đồng

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức đào tạo các nghề phi nông nghiệp như: Hướng dẫn viên, dịch vụ du lịch, may công nghiệp, nấu ăn, mây tre đan… Bà con sau khi được đào tạo đã có việc làm hiệu quả, ước tính trên 80% LĐNT có việc làm sau đào tạo.

Ông Đinh Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp huyện Đà Bắc cho biết: Thực hiện công tác, hàng năm trung tâm phân công cán bộ đến từng thôn, xã làm công tác tuyên truyền, tư vấn, giúp bà con hiểu được lợi ích của đào tạo nghề nghiệp đối với việc làm và thu nhập của người dân, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để bà con tham gia các lớp đào tạo nghề cho LĐNT… Chính quyền cũng đồng thời chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho bà con LĐNT.

Phát huy lợi thế địa lý tự nhiên, bởi hầu hết các xã của Đà Bắc đều nằm ven hồ sông Đà, nơi có cảnh quan đẹp nên rất có thế mạnh trong việc phát triển du lịch cộng đồng.

Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung về các ngành nghề liên quan đến du lịch và thế mạnh phát triển của địa phương để bà con hiểu được, từ đó vận dụng vào thực tế. Quan trọng hơn, đây là yếu tố quyết định để mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT gắn với yêu cầu về nhân lực ngay tại các khu vực được quy hoạch trở thành khu du lịch ở địa phương.

Các lớp đào tạo nghề cho LĐNT trong lĩnh vực du lịch đã đào tạo cho bà con những kỹ năng giao tiếp, ứng xử và chăm sóc khách hàng, đào tạo tiếng Anh để có thể giao tiếp với khách hàng người nước ngoài, khi họ đến du lịch tại địa phương.

Theo ông Tuấn, sau 10 năm thực hiện Đề án dạy nghề cho LĐNT, nhiều người được tham gia học nghề đã có sự phát triển đột phá. Đặc biệt, đối với những LĐNT học các nghề liên quan đến du lịch, sau đào tạo họ đã có đủ khả năng tự phát triển mô hình du lịch cộng đồng, homestay để phục vụ khách ngay tại gia đình bằng những trải nghiệm văn hóa dân tộc, tham quan cảnh đẹp tại địa phương.

Thúc đẩy phân luồng vào học nghề

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình, trong giai đoạn 2010 - 2015 tỉnh Hòa Bình đã tổ chức 851 lớp đào tạo nghề cho hơn 25.500 lao động địa phương, trong đó số lao động là người dân tộc thiểu số chiếm 95%. Số người có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất và thu nhập cao hơn đạt khoảng 75%. Giai đoạn 2016 - 2019, tổ chức đào tạo được 696 lớp, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho hơn 18.500 người. Kế hoạch năm 2020 dự kiến đào tạo 6.200 người.

Kế quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT và đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tích cực nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng cho thấy nhiều khó khăn, hạn chế cụ thể: Về chất lượng đào tạo vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tỷ lệ đào tạo trình độ cao đẳng còn rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 18%.

Một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, một số người lao động sau học nghề chưa duy trì được việc làm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu. Thiếu gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong việc phối hợp đào tạo, xây dựng chương trình dạy nghề và sử dụng lao động sau đào tạo.

Nhằm thúc đẩy dạy nghề cho LĐNT nói riêng và giáo dục nghề nghiệp nói chung trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình đã đề xuất nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó tăng cường tổ chức định hướng phân luồng học sinh vào học nghề giai đoạn 2020 - 2025. Từng bước nâng cao nhận thức của xã hội về hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ