Vụ tắc đường tỷ đô

GD&TĐ - Sau 6 ngày nằm chắn ngang kênh đào Suez, sáng 29/3 con tàu khổng lồ Ever Given mới chịu nhúc nhích nhờ thủy triều dâng cao.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mỗi ngày nó nằm tại đây gây thiệt hại hàng tỷ USD cho vận tải biển và trở thành “vụ tắc đường” tốn kém nhất trong lịch sử giao thương thế giới.

Cơn ác mộng với ngành vận tải biển thế giới bắt đầu hôm 23/3, khi con tàu chở container Ever Given dài 400m thuộc hàng lớn nhất hành tinh bị mắc cạn và bịt kín kênh Suez. Hàng trăm con tàu chở hàng phải nằm nối đuôi nhau đợi thông kênh, trong khi nhiều tàu chở dầu chấp nhận đổi tuyến đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, khiến hành trình bị kéo dài thêm vài tuần.

Ngay lập tức vụ mắc cạn này đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu khi các chuyến tàu chở hàng không thể lưu thông bình thường. Giới chuyên gia ước tính mỗi giờ con tàu mắc kẹt khiến kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 400 triệu USD. Số hàng hóa trên hơn 450 con tàu bị kẹt tại hai đầu Địa Trung Hải và Biển Đỏ do tắc kênh Suez ước tính lên tới khoảng 12 tỷ USD. 

Ai Cập huy động mọi nguồn lực để giải cứu con tàu sơn dòng chữ lớn Evergreen bên mạn, tên công ty vận hành tàu. Trong khi đó cả Mỹ và Nga đều ngỏ ý hỗ trợ thiết bị đặc biệt để giải phóng kênh Suez. Nguyên nhân của vụ tai nạn hi hữu này có thể do 18.300 container chất cao trên tàu đã trở thành cánh buồm bất đắc dĩ và bị gió mạnh lái tàu xoay ngang rồi mắc cạn.

Giới chuyên gia nhận định, vụ kẹt kênh Suez là bằng chứng sống động nhất cho thấy tính dễ tổn thương của hệ thống cung ứng trên toàn cầu hiện nay, vốn vẫn phụ thuộc vào vận tải biển như nhiều thế kỷ qua. Sự kiện cũng cho thấy năng lực cứu hộ của con người vẫn còn nhiều hạn chế khi đối mặt với một con tàu khổng lồ như Ever Given.

Giới chức nước chủ nhà kênh đào Suez cũng chủ yếu trông đợi vào đợt thủy triều dâng cao trong hai ngày 29/3 và 30/3 để giải cứu tàu Ever Given. Đúng như dự đoán, chiến dịch giải cứu tàu bắt đầu thu được thành công vào ngày 29/3 khi con tàu nổi một phần trở lại.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn ở phía trước vì con tàu trọng tải 200.000 tấn này chưa thể nổi hoàn toàn khi phần mũi vẫn còn bị mắc cạn. Nếu việc giải phóng phần mũi tàu thất bại, lực lượng cứu hộ có thể phải tính đến phương án bốc dỡ số container trên tàu để giảm tải và việc này sẽ khiến thời gian giải cứu mất thêm vài ngày nữa.

Việc giải cứu tàu Ever Given chỉ còn là vấn đề thời gian nhưng hệ quả của vụ tai nạn này sẽ như hiệu ứng domino và tác động xấu đến vận tải biển trong những tháng tới. Lịch trình chạy tàu của cả thế giới bị đảo lộn bởi sự cố này và cần nhiều thời gian để sắp xếp lại.

Hãng nghiên cứu Allianz Research nhận định, vụ tắc kênh Suez có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu từ 0,2 đến 0,4% và chặn đà phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, vụ tắc đường này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở châu Âu và châu Á. Ngay cả khi việc lưu thông được nối trở lại, kênh Suez sẽ chứng kiến cảnh căng thẳng khi di chuyển qua lại do năng lực tiếp nhận tàu có hạn chế.

Việc hàng trăm tàu chở hàng sau đó đổ dồn về các cảng biển cửa ngõ châu Âu như Rotterdam (Hà Lan) và Antwerp (Bỉ) cũng sẽ gây ra tình trạng quá tải về bốc dỡ hàng hóa tại đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ