Theo AP, cuộc tập trận dự kiến kéo dài trong 1 tuần giữa Anh, Mỹ, Pháp và Nhật được lên kế hoạch diễn ra ở khu vực xung quanh các đảo Guam và Tinian với các hoạt động đổ bộ, vận chuyển binh lính và tuần tra. Quân đội Pháp đóng vai trò chỉ huy tại cuộc tập trận này.
Tuy nhiên, phát biểu ngày 12/5, ông Jeff Landis – người phát ngôn của Căn cứ hải quân Guam của Mỹ - cho biết, một tàu đổ bộ của Pháp đã bị mắc cạn ngay ở gần bờ khi đang diễn tập cho cuộc tập trận diễn ra ở đảo Tinian vào ngày 13/5. Theo ông Landis, tàu mắc cạn không va phải san hô và cũng không gây rò rỉ nguyên liệu. Vụ việc cũng không khiến người nào bị thương.
Đại tá Jeff Grimes – chỉ huy trưởng của quân đội Mỹ ở khu vực Marianas – xác nhận việc hoãn tập trận. Theo ông Grimes, giới chức các nước đang đánh giá tình hình và hiện vẫn chưa biết khi nào có thể nối lại việc tập trận.
“Tôi đã chỉ đạo dừng tất cả các hoạt động liên quan đến cuộc tập trận này cho đến khi tiến hành đánh giá toàn diện về tình hình. Hiện chúng tôi đang phân tích các vấn đề”, ông Grimes cho hay.
Theo kế hoạch ban đầu, 2 tàu của Pháp đang được điều động tới khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ tham gia cuộc tập trận. Gia nhập cùng các tàu này trong các hoạt động diễn tập còn có các binh sỹ của Nhật Bản, các máy và 70 binh lính Anh được điều động tới tàu tuần dương FS Mistral của Pháp. Trong các hoạt động diễn tập cũng có kịch bản máy bay của Anh đưa các binh lính của Mỹ trên tàu của Pháp lên bờ.
Nhật Bản trong khi đó cũng điều 50 binh lính và 160 thủy thủ cùng tàu đổ bộ tham gia tập trận. Sau thông tin từ giới chức Mỹ, các quan chức quốc phòng Nhật cho hay họ đang chờ thêm các thông tin, bao gồm các thông tin về phần tập trận sẽ diễn ra ở đảo Guam từ phía Mỹ.
Theo dự kiến ban đầu, quân đội 4 nước tham gia tập trận sẽ di chuyển tới khu vực đảo Tinian để tiếp tục các hoạt động huấn luyện trong tuần tới. Các đảo Guam và Tinian các thủ đô Tokyo của Nhật Bản khoảng 2.400 km về phía Nam và cách Manila, Philippines khoảng cách tương tự về phía Đông.
Theo các bên tham gia tập trận, cuộc diễn tập này được thực hiện nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với việc tự do đi lại của tàu bè ở các vùng biển quốc tế trong bối cảnh có những lo ngại cho rằng Trung Quốc có thể hạn chế tiếp cận Biển Đông dù Trung Quốc luôn khẳng định các hoạt động cải tạo đất của nước này ở Biển Đông là nhằm cải thiện an toàn của các tàu cũng như vì mục đích dân sự. Bắc Kinh cũng nhiều lần khẳng định sẽ không can thiệp vào tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Trong tuần này, một nhóm các thành viên của Ủy ban quan hệ đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ cũng đã thúc giục chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiến hành các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.