Tính đến 16 giờ ngày 07/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.354.856 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 42.115 người.
Có thêm 10.119 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 07/6/2021 tại 11 tỉnh, thành phố. Chi tiết như sau:
1- Hải Phòng: 90
2- Hà Nam: 587
3- Hải Dương: 5.330
4- Lào Cai: 2.376
5- Sơn La: 634
6- TT- Huế: 400
7- Khánh Hòa: 181
8- Kon Tum: 1.043
9- Gia Lai: 366
10- Vĩnh Long: 1.359
11- Các đơn vị TƯ tại Hà Nội: 1.702
Hiện Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca đợt 4 cho 43 đơn vị trên cả nước gồm 22 Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố; các Viện, Bệnh viện, Trường Cao đẳng; các Tổng Công ty; công ty; Trung tâm pháp y các vùng miền...
Cụ thể, chi tiết lượng vắc xin COVID-19 đợt 4:
Trong 22 CDC các tỉnh, thành phố được phân bổ đợt này, CDC Bắc Giang và Bắc Ninh được phân bổ nhiều nhất với 50.000 liều vắc xin mỗi tỉnh.
Tiếp đến là CDC thành phố Hà Nội được phân bổ 20.000 liều; CDC Hải Dương có 17.600 liều và CDC Thanh Hoá, CDC thành phố Cần Thơ mỗi đơn vị có 10.000 liều vắc xin COVID-19...
Trong 3 bệnh viện được phân bổ đợt này là Bệnh viện E có nhiều nhất với 7.000 liều, tiếp đến là Bệnh viện Nhi Trung ương có 5.000 liều và Bệnh viện K có 1.500 liều.
Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ 6.000 liều vắc xin. Đối với 6 Viện, Trung tâm pháp y quốc gia, phân viện và các khu vực, Bộ Y tế phân bổ mỗi đơn vị 100 liều...
Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện tiếp nhận, bảo quản, gửi mẫu kiểm định chất lượng và vận chuyển vắc xin tới Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực để phân bổ ngay tới các địa phương, đơn vị theo danh sách, hoàn thành tiêm trước ngày 15/9.
Theo Bộ Y tế, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Các cơ sở tiêm chủng vắc-xin COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Người đi tiêm vắc-xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm;
Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.