Vì sao lỗ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, với 80% nguồn điện mua từ các đơn vị bên ngoài hệ thống nên EVN đang phải chịu lỗ thay khách hàng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhằm làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng trong năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, với 80% nguồn điện mua từ các đơn vị bên ngoài hệ thống nên EVN đang phải chịu lỗ thay khách hàng.

Cụ thể, theo EVN, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 được lập theo đúng quy định, đã được kiểm toán độc lập, kiểm tra bởi đoàn kiểm tra liên ngành và được Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố.

Giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, trong khi giá thành mua điện từ các nhà máy điện gồm tất cả các chi phí là 2.032,26 đồng/kWh nên mỗi kWh điện bán cho khách hàng năm 2022, EVN lỗ 149,53 đồng/kWh.

Bởi vậy, lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2022 EVN là 36.294,15 tỉ đồng nhưng do các thu nhập khác liên quan tới sản xuất kinh doanh điện là 10.058,36 tỉ đồng nên số lỗ tổng hợp trong năm 2022 là 26.235,78 tỉ đồng.

Ngoài những yếu tố trên, theo EVN, trong giá thành mua điện, khâu phát điện chiếm tỉ trọng lớn tới 83,6% nên EVN đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm chi phí như tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn từ 20% đến 40%... giúp giảm 19,69 đồng/kWh so với năm 2021. Tuy nhiên, do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến so với các năm trước đã khiến giá thành tăng mạnh.

Từ những lý do trên, EVN cho rằng, nếu thị trường năng lượng phát triển hoàn chỉnh, giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời, khách hàng sử dụng điện sẽ phải chịu ngay các chi phí mua điện tăng thêm do thông số đầu vào tăng đột biến trong năm 2022.

Nhưng với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện như hiện tại, EVN đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 thay cho các khách hàng sử dụng điện...

Lý giải như vậy có thể thấy, những nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng trong năm 2022 của EVN chủ yếu là do khách quan. Tuy nhiên, trong Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, một đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề: Từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh và vẫn tiếp tục báo lỗ, đề nghị điều chỉnh tăng giá.

Nhưng nghịch lý ở chỗ, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022, ví dụ như Tổng Công ty Phát điện 3, Tổng Công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 2.550 tỉ đồng và 3.668 tỉ đồng…

Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỉ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?

Ở góc nhìn khác, một đại biểu Quốc hội cho rằng, khoản thua lỗ này rất có thể có một phần nguyên nhân do điều hành chưa tốt, dẫn đến phát sinh chi phí cao. Bởi vậy, cần phải xem xét lại chi phí hệ thống vận hành đường truyền tải điện, chi phí cho sản xuất điện của EVN khi nhiều chuyên gia vẫn lo ngại chi phí này quá lớn do bộ máy cồng kềnh.

Chỉ riêng năm 2022, EVN đã lỗ tới hơn 26.000 tỉ đồng là thực tế. Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội là phải cần thiết phải làm rõ một cách tường minh.

Phải thanh tra, kiểm tra vai trò của EVN để biết việc quản lý, quản trị của doanh nghiệp này như thế nào, tại sao năm nào cũng thua lỗ? Nếu thua lỗ do sản xuất, điều hành yếu kém, không tiết kiệm và những chi phí phát sinh khác thì cần phải điều chỉnh lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ