Việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng truyền thống trong xã hội đương đại hiệu quả là vấn đề cấp thiết và phải có những định hướng, giải pháp phù hợp.
Biến đổi nhìn từ Hà Nội
Hà Nội có lẽ là một trong số các địa phương điển hình về sự biến đổi của làng ven đô trước sự biến động mạnh mẽ của công cuộc đô thị hóa. Ví như: Làng Mơ (hay còn gọi Kẻ Mơ) vốn là một làng ven đô nay trở thành một phường thuộc thành phố Hà Nội, có nhiều biến đổi mà trước hết là biến đổi về cảnh quan, lối sống. Kẻ mơ từ làng ven đô, rồi từ phường ven đô thành phường nội đô. Điều đó đã làm mất đi cảnh quan thiên nhiên cổ xưa của làng, đất canh tác thu hẹp và triệu tiêu hoàn toàn.
Ngày nay, làng chỉ còn đất thổ cư, nền nhà, mà không còn là đất ruộng, đất vườn. Dân cư vẫn sống theo lối thôn, xóm xưa nhưng nhà cửa được xây theo phố xá, sinh hoạt theo tổ dân phố. Đặc biệt hơn, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, lại tự phát nên không có quy hoạch cụ thể, dẫn đến thực trạng phố không ra phố, làng không ra làng. Đường làng được đặt tên phố nhưng vẫn là đường làng cũ, ngoằn nghèo, bé nhỏ, trật chội, lộn xộn.
Sự thay đổi này làm thay đổi cả con người về tính cách, lối sống và có ảnh hưởng đến cả phong tục tập quán. Hiện tại trong làng chỉ có thế hệ những người cao tuổi còn muốn giữ lại lối sống truyền thống, phong tục tập quán truyền thống, phong tục tập quán…
Làng Tây Mỗ - Từ Liêm cũng đang thay đổi bởi đô thị hóa. Nhiều dự án đô thị mới được quy hoạch và xây dựng, những nét cổ kính xưa của một ngôi làng với cánh đồng xanh, không gian sinh sống thanh bình, các cây cổ thụ… đã và đang bị các dự án nuốt dần. Xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì có bốn thôn và một xóm, thì vườn ao chỉ còn ở thôn Thượng Phúc và Nhân Hòa. Trước đây mỗi làng đều có cổng, các xóm thường có cổng riêng nhưng nay chỉ còn Thượng Phúc còn giữ được cổng làng.
Đến nhiều làng cổ ở Hà Nội hiện nay không khó để thấy sự đô thị hóa. Các nhà cao tầng đan xen với những ngôi nhà cổ, các con đường làng nhỏ chạy ngoằn ngoèo được xây dựng lại thẳng tắp, rác thải hay vật liệu xây dựng bừa bộn. Cũng vì dân số tăng, nhiều gia đình phải chia nhỏ mảnh đất ông cha để lại cho các con xây nhà ở riêng mà không sống chung kiểu 3-4 thế hệ trong ngôi nhà truyền thống lợp ngói không tiện nghi hay chật hẹp.
Đô thị hóa nhanh khi chưa có các quy hoạch bảo tồn, gìn giữ đã tạo ra những vết thương cho các làng cổ. Sự thay đổi về kiến trúc, không gian đồng thời diễn ra với sự thay đổi của môi trường, lối sống, phong tục tập quán truyền thống làng xã. Những ngôi nhà tầng kín cổng cao tường thể hiện cho lối sống tách biệt kiểu phố thị đang dần lan vào những ngôi làng cũ, sinh hoạt cộng đồng làng xã cũng nhạt dần.
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, internet, các dịch vụ vui chơi, giải trí phát triển với nhiều mảng tối khó kiểm soát kéo theo lối sống thực dụng, ích kỷ tác động đến một phận người dân làm nảy sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến thuần phong, mỹ tục ở làng quê. Và các trò chơi dân gian, lễ hội làng truyền thống cũng đứng trước nguy cơ khó bảo tồn vì các hoạt động dịch vụ, thương mại hóa lễ hội…
Cần giải pháp bền vững
Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Việc giữ gìn, phát huy giá trị làng cổ trong thời điểm hiện nay vô cùng khó khăn, thách thức. Làm sao để các làng cổ trụ vững, rất cần sự đồng thuận của cả chính quyền và nhân dân.
Bảo tồn nhưng phải để nông thôn phát triển với những giá trị đã được khẳng định sẽ còn lại mãi. Điều này cần sự quan tâm xây dựng cơ chế chính sách của các nhà quản lý bởi muốn bảo tồn khả thi phải được đảm bảo bằng các chính sách của nhà nước.
Mặt khác, để bảo bồn và huy giá trị văn hóa truyền thống nơi làng xã, cần nhận diện những điểm nổi bật của giá trị văn hóa truyền thống của từng làng xã cụ thể. Chẳng hạn, ở Đông Ngạc làng có ngôi đình quy mô vốn dĩ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tín ngưỡng ngày trước nhưng ngày nay chỉ được sử dụng trong dịp lễ hội, ngày rằm mồng một hàng tháng.
Trong khi đó làng lại xây thêm một nhà văn hóa, rồi nhà văn hóa này cũng bị bỏ không. Và vấn đề ở đây là chưa hiểu rõ chức năng ngôi đình làng nên mới khép kín như vậy. Đồng thời xây dựng thêm một nhà văn hóa nữa không theo một quy hoạch nào càng làm cho xộc xệch thêm kiến trúc cổ truyền làng xã.
Bảo tồn làng là bảo tồn một điểm dân cư sống như vậy cho thấy vai trò của cộng đồng cũng rất quan trọng. Họ là những người sở hữu các di sản một cách hữu hình và vô hình, họ cần được hưởng lợi nhuận từ nó nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó một cách trung thực nhất. Nhà nước nên đứng ở vai trò hướng dẫn và hỗ trợ tích cực.
Tuyên truyền cho mọi người dân về giá trị của các làng cổ để nâng cao sự hiểu biết và tự hào của họ đối với làng quê. Trên sự hiểu biết đó các cộng đồng sẽ tự đề xuất các làng, các khu vực của làng cần được bảo tôn. Trên cơ sở thông tin một cách đầy đủ, minh bạch đến người dân về các dự án cần được thực hiện.
Về mặt chính sách cần linh hoạt, mềm dẻo, lấy mục đích cao nhất là gìn giữ được các giá trị văn hóa, lịch sử của làng Việt. Quyền lợi cá nhân, cộng đồng cần được chú ý; tránh tình trạng vì bảo tồn mà điều kiện sống của cộng đồng không được nâng cao; khuyến khích duy trì nhịp độ kinh tế và các giá trị độc đáo của từng khu vực nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm địa phương.
Đảm bảo khung pháp lý hài hòa, rõ ràng đối với các giải pháp can thiệp để bảo tồn. Đồng thời giúp đỡ khuyến khích sự năng động của cộng đồng trong bảo tồn, quản lý và quản trị sau bảo tồn.
Làng là một đơn vị cư trú lâu đời của người dân ở đồng bằng Bắc bộ. Mỗi làng đều có những nét riêng biệt về tên gọi, tục lệ, nghề phụ… Qua quá trình phát triển các làng đều có những biến đổi nhất định và cho đến nay với tốc độ đô thị hóa nhanh thì nguy cơ mất đi những nét riêng biệt của ngôi làng Việt truyền thống là một thực tế đáng suy nghĩ và có giải pháp bảo tồn hợp lý.