(GD&TĐ) - Đường Lâm, một địa danh từng được nhiều người nhắc đến với cái tên “đất hai vua” cổ kính, dẫu trải qua bao thăng trầm thời gian, nhưng Đường Lâm ngày nay vẫn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng Việt cổ, làm bao khách thập phương tìm về để nôn nao cùng…quá khứ và rồi ngỡ ngàng trước một làng cổ còn lưu giữ những sắc màu của thời gian.
Trong những ngày đầu xuân, những thôi thúc trong lòng đã đưa chúng tôi về thăm khu di tích làng cổ Đường Lâm, với những di tích lịch sử, văn hoá cùng nét truyền thống đặc trưng của làng quê vùng châu thổ Sông Hồng. Mảnh đất được nhiều người nhắc đến bằng cái tên “đất hai vua” cổ kính. Đó là những ngôi làng thuộc thị xã Sơn Tây, cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 60 cây số, là khu di tích có vị trí đắc địa theo thế được gọi là “toạ sơn vọng thuỷ”, (lưng tựa vào núi Tản, mặt ngoảnh ra sông Hồng).
Trải qua bao thăng trầm, mảnh đất hai vua Đường Lâm, nơi sinh ra hai anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền giờ vẫn còn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng cổ Việt với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen, sân đình...
Qua chiếc cổng làng đã phai bạc cũ kỹ bởi sương gió thời gian, nằm xiêu xiêu dưới bóng một cây đa cổ thụ có tới hơn 300 năm tuổi là những ngõ xóm, đường làng, nhà mái ngói, tường đá ong và các công trình kiến trúc rất cổ xưa.
Các anh trong Ban quản lý di tích cho biết: Gọi Đường Lâm là làng cổ chẳng qua là cách nói về một điểm đến du lịch thôi, chứ thực chất về hành chính, thì đó lại là một xã gồm 9 thôn gồm: Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu. Trong đó có 5 thôn gồm: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau, gắn kết chặt chẽ thành một cộng đồng thống nhất về phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.
Hiện nay, Đường Lâm có 956 ngôi nhà đã hơn 150 năm tuổi. Trong đó, thôn Đông Sàng có 441 nhà, Mông Phụ có 350 nhà và Cam Thịnh có 165 nhà. Một số nhà được xây dựng từ rất lâu (như năm 1649, 1703, 1850...) đến nay vẫn còn nguyên hệ thống cột kèo, giàn mái với hoa văn trang trí cầu kỳ.
Hầu hết các nhà cổ ở Đường Lâm được làm bằng gỗ với kết cấu theo kiểu chữ nhất, chữ nhị và chữ môn. Mái lợp ngói ri. Tường rào thường được xây bằng đá ong (Theo các cụ cao tuổi làng Mông Phụ: lloại đá này phải đào từ dưới đất lên. Mỗi lần đào rất khó vì mỗi viên thường to khoảng 15 đến 40 cen-ti-mét, càng để lâu khiến cho đá săn chắc, cứng cáp, nên người Đường Lâm càng thêm tin yêu vào nơi mình đang sống một cuộc sống bình dị nhưng vững bền). Mỗi một ngôi nhà cổ đều có cổng, tường rào, sân, vườn, bình phong, nhà chính, nhà phụ, nhà bếp… và hầu như nhà nào cũng có cây xanh tán rộng che mát khoảng sân trước nhà.
Điều hết sức thú vị là mọi con đường làng đều rất sạch sẽ và thoáng đãng. Những bức tường đá ong có hàng trăm năm nay bao quanh các ngôi nhà, tạo không gian biệt lập và bình yên cho mỗi gia đình. Trong làng còn một số giếng nước đã vài trăm năm tuổi, thành giếng xây đá ong vững chãi với thời gian. Đặc biệt là những công trình thờ cúng, tưởng niệm được xây dựng, bảo tồn và lưu truyền từ hơn mười thế kỷ trước cho đến nay dường như hiện diện ở mọi nơi tạo cho không gian của mảnh đất này thêm sự linh thiêng huyền bí.
Có lẽ thế, mà hàng ngày chẳng ai bảo ai từng đoàn du khách trong nước và cả những vị khác nước ngoài coi nơi đây là một chốn đi về để được hưởng những phút giây sống chậm, khép mình vào một không gian tưởng chừng bị lãng quên, để hòa mình vào cái không khí u tịch, không gian văn hóa làng xã của người Việt cổ thanh thản đến vô cùng.
Minh Tư