Châu Âu chới với giữa hai con đường

GD&TĐ - Giới chức lãnh đạo các nước châu Âu sẽ phải tìm cách cân bằng giữa lợi ích kinh tế ngắn hạn và mục tiêu chính trị dài hạn để cứu vãn nền kinh tế EU.

Châu Âu chới với giữa hai con đường

Tạp chí kinh tế Anh The Economist có bài viết về vấn đề đối với ngành công nghiệp châu Âu nói riêng và nền kinh tế châu Âu nói riêng và tiết lộ rằng, một số quan chức châu Âu đã rất hối tiếc vì cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga, khiến nền kinh tế các nước châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đó, cũng đã có nhiều phân tích cho rằng, việc cắt giảm nguồn cung cấp nguyên liệu thô của Nga đã tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp của châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như luyện kim, hóa chất và sản xuất phân bón, nơi năng lượng chiếm một phần đáng kể trong chi phí.

Theo phân tích của giới chức châu Âu, hóa đơn tiền điện thấp hơn có thể phục hồi ngành công nghiệp vốn đang trì trệ của châu Âu và trấn an các hộ gia đình trong mùa đông lạnh giá.

Chuyên gia Jari Sten của Goldman Sachs chia sẻ với The Economist rằng, hóa đơn tiền điện và khí đốt cao đã làm giảm sức mua của các hộ gia đình, làm chậm lại tăng trưởng kinh tế, vốn vẫn đang trì trệ kể từ khi kết thúc đại dịch COVID-19.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt từ Nga có thể làm giảm chi phí năng lượng đầu vào cho sản xuất. Ông Steen dự đoán rằng, việc chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể khiến mức tăng trưởng GDP của châu Âu tăng thêm 0,5%, mà phần lớn điều này đến từ giá khí đốt tự nhiên rẻ hơn.

Đồng thời, việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt của Nga có thể được coi là sự hỗ trợ “đền bù” tài chính từ Moscow, điều này trái ngược với các lệnh trừng phạt được áp đặt vốn không đạt được hiệu quả gì.

Tuy nhiên, ngay cả khi hoạt động mua sắm được tiếp tục, điều này cũng sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản về sự phụ thuộc vào năng lượng Nga của Liên minh châu Âu.

Hơn nữa, các nguồn tin của ấn phẩm này tin rằng, việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt cũng có thể thúc đẩy nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin ký kết một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine và triệt để tuân thủ thỏa thuận đó.

ÔNg Friedrich Merz, người có khả năng sớm trở thành Thủ tướng Đức, gần đây tuyên bố rằng trong thời điểm hiện tại sẽ không xuất hiện xu hướng quay trở lại châu Âu của khí đốt Nga, nhưng không loại trừ khả năng này trong tương lai.

Từ sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát đến nay, tình hình cung cấp khí đốt từ Nga vẫn là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong nền chính trị và kinh tế châu Âu.

Một mặt, việc khôi phục hoạt động của các đường ống dẫn khí đốt Nga có thể làm giảm bớt khó khăn kinh tế, nhưng mặt khác lại tạo ra những vấn đề nan giải về mặt “đạo đức và chiến lược” đối với các nước Liên minh châu Âu.

Ấn phẩm Anh kết luận rằng, với sự mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và tư duy chính trị, quyết định cuối cùng của giới chức lãnh đạo các quốc gia thuộc “Lục địa già” sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế ngắn hạn và mục tiêu chính trị dài hạn của Liên minh châu Âu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ