Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp phải sớm chấp nhận “sống chung” với sự lên xuống của tỷ giá để đưa ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu tác động đến kết quả kinh doanh.
Kiều hối vẫn là điểm sáng
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, chiếm khoảng 90% GDP. Các chính sách thuế quan của Mỹ đang đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.
Trước rủi ro về tỷ giá đang gia tăng, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo, chỉ số DXY có thể duy trì ở ngưỡng cao nhờ thị trường lao động và khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn khá khả quan.
Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hơn so với kỳ vọng, kéo theo sức mạnh USD cao hơn so với các đồng tiền khác. Các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn và USD có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn.
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu của VCBS vẫn chỉ ra những yếu tố tích cực. Chẳng hạn, với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến các quốc gia bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam. Kiều hối tiếp tục là điểm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025 sau khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây...
VCBS đánh giá nhiều khả năng DXY sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao và có thể kéo dài hơn dự kiến, VND được dự báo giảm giá so với đồng USD với mức biến động hợp lý khoảng 3% cho cả năm 2025.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra góc nhìn thận trọng hơn khi nhận định tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong biên độ +/-5% tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có dự trữ ngoại hối, cung - cầu ngoại tệ trong nước và chính sách thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam.
VDSC nêu kịch bản cơ sở, trong đó tỷ giá cuối năm 2025 có thể ở mức 26.200 VND/USD nếu các yếu tố vĩ mô diễn biến theo kỳ vọng. Trên thực tế, trong tháng đầu năm 2025, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: Thặng dư thương mại tích cực (~3,03 tỷ USD trong tháng 1/2025), lượng vốn FDI giải ngân dồi dào (1,51 tỷ USD, +2% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (+36,9% so với cùng kỳ trong tháng 1/2025)… Sự ổn định của môi trường vĩ mô sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.

Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Về lý thuyết, tỷ giá USD tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhóm doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc hàng hóa Việt Nam rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu chi phí nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa tăng cao, lợi ích từ tỷ giá sẽ bị hạn chế. Chưa kể, doanh nghiệp có thể phải chi trả nhiều hơn cho các hoạt động khác như phí vận chuyển, logistics…
Trong bối cảnh tỷ giá là một biến số vĩ mô khó lường, các doanh nghiệp dần chấp nhận với sự lên xuống của tỷ giá và đưa ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro để có lợi nhất và giảm thiểu tác động bất thường đến lợi nhuận. Chẳng hạn, bên cạnh việc đa dạng hóa đồng tiền thanh toán để phân tán rủi ro, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu chấp nhận bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm tỷ giá…
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, tỷ giá USD/VND tiếp tục duy trì ở mức cao trong đầu năm nay bởi các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tác động đến kinh tế toàn cầu.
Mặt khác, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước vẫn tiếp tục diễn ra có thể khiến lạm phát của Mỹ duy trì ở mức cao, khiến Fed giữ nguyên lãi suất thì đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên.
Trong bối cảnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, để giảm áp lực với tỷ giá, cơ quan điều hành có thể điều tiết thị trường tiền tệ như đã thực hiện trong năm 2024.
“Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng các công cụ của thị trường mở để đẩy mặt bằng lãi suất nhích dần lên. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ xuất khẩu và tận dụng lợi thế từ việc Mỹ áp thuế cao với các thị trường khác, tiếp tục cải cách môi trường đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới để tăng lượng ngoại hối vào Việt Nam”, ông Huân nói.
Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, hiện nay với các chính sách khó lường, khó đoán của thời chính quyền Trump 2.0 đi vào thực thi; đồng thời bản thân ông Donald Trump cũng đang cho thấy việc ông sẽ sử dụng các công cụ thuế quan, cũng như việc “không ngại” đụng chạm với nhiều quốc gia, trong đó kể cả các quốc gia xưa nay được hiểu là đồng minh thân cận của Mỹ như Canada, Khối Liên minh châu Âu, Mexico… Mục đích của ông Donald Trump là làm cho Mỹ trở nên mạnh mẽ, vĩ đại hơn, mang sản xuất, mang dòng tiền chảy về đất nước nhiều hơn so với lúc trước.
“Việc này sẽ kích hoạt dòng chảy, dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Từ đó, sẽ làm cho đồng USD mạnh lên và dẫn đến tỷ giá không chỉ của Việt Nam mà nhiều quốc gia khác sẽ bị giảm sút”, ông Phương nói.
Vì vậy, chuyên gia này khuyến nghị, các doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu là chính nên có các hành động phòng ngừa rủi ro bằng cách mua bảo hiểm tỷ giá từ dịch vụ các ngân hàng để phòng ngừa rủi ro cho vấn đề thanh toán ngoại tệ khi đến hạn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải tính đến phương án nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc có chiều hướng xa hơn, ký hợp đồng xa hơn.
“Đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhập khẩu máy móc là chính, trong khi các nguyên vật liệu vẫn nhập khẩu phần lớn ở nước ngoài bởi trong nước vẫn thiếu các doanh nghiệp, nền công nghiệp phụ trợ.
Chưa kể đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là có khá nhiều doanh nghiệp chế xuất nên việc chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá là rất cần thiết. Có như vậy mới giúp các doanh nghiệp tránh được rủi ro tỷ giá cũng như rủi ro chi phí gia tăng khi tỷ giá đột biến”, ông Phương nhận định.
Cuối năm 2024, dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn khoảng 80 tỷ USD theo dữ liệu từ VDSC, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức 3,3 tháng vào cuối năm 2023. Việc dự trữ ngoại hối giảm xuống dưới mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 3 tháng nhập khẩu đặt ra thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong việc can thiệp thị trường ngoại hối để ổn định tỷ giá. Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 9,4 tỷ USD để hỗ trợ đồng Việt Nam, làm giảm dự trữ ngoại hối.