Tuy nhiên, để học sinh không lạm dụng điện thoại, ảnh hưởng tới chất lượng học tập, các trường tại Hải Phòng đều có quy chế chặt chẽ và tăng cường kiểm tra.
Siết chặt nội quy
Trong dạy học nếu chỉ giáo viên được sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại còn học sinh “học vo” sẽ không có tương tác 2 chiều và kết quả khó trọn vẹn. Bởi thực tế, nhiều phần mềm dạy học, kiểm tra đánh giá hiện đại hỗ trợ thầy cô trong quá trình lên lớp, giúp nâng cao chất lượng giáo dục như: Webquest, Kahoot, Quizizz…
Đáng nói, hiện nay các trường công lập không đủ điều kiện để trang bị máy tính phục vụ học tập cho tất cả học sinh. Nếu ứng dụng công nghệ, để trò có thể tương tác, học và làm bài trên phần mềm tại lớp, thì việc dùng điện thoại thông minh là giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong trường học thế nào, tránh để các em lạm dụng, mất tập trung học tập là điều cần bàn.
Nhiều năm qua, ngành Giáo dục Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thiết bị thông minh trong học tập để hướng tới xây dựng trường học số, thông minh. Nhiều chuyên đề được tổ chức để rút kinh nghiệm giảng dạy các bộ môn theo Chương trình GDPT 2018 trong toàn ngành.
Ở các chuyên đề, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm dạy học tích cực và đem lại hiệu quả cao. Học sinh được sử dụng điện thoại để quét mã vạch bài học, tìm tài liệu trên mạng, làm câu hỏi tương tác, đánh giá chéo các bạn trên lớp bằng phần mềm. Chất lượng bài dạy vì thế được lãnh đạo ngành ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, quản lý học sinh thế nào khi mang điện thoại đến trường là điều lãnh đạo ngành, nhà trường quan tâm.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT TP Hải Phòng, sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong cơ sở giáo dục trên địa bàn còn bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học. Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, sở đề nghị các đơn vị căn cứ điều kiện thực tế để có hướng dẫn cụ thể việc quản lý điện thoại di động, thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo lớp học) và gửi lại sau khi kết thúc tiết học cuối trên lớp, trường.
Học sinh chỉ được phép mang điện thoại di động, thiết bị thu, phát sóng vào lớp để sử dụng trong giờ học khi được giáo viên cho phép. Các nhà trường đôn đốc, kiểm tra, giám sát học sinh thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT (Thông tư 32).
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường tuyên truyền để cha mẹ học sinh đồng hành với nhà trường, giáo viên trong công tác chăm lo, động viên, nhắc nhở, quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động, thiết bị thu, phát sóng đúng mục đích, quy định. Hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.
Thầy Trịnh Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Ngô Quyền, Hải Phòng) cho hay, ngay khi có văn bản chỉ đạo của sở GD&ĐT về việc sử dụng điện thoại và thiết bị thu phát sóng của học sinh, cùng với sự đồng thuận của cha mẹ trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường không cho học sinh sử dụng điện thoại suốt thời gian ở trường, khi chưa được phép của ban giám hiệu và giáo viên bộ môn.
Trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp thông báo cho học sinh và bố trí nơi cất giữ điện thoại; giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm về việc để học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học; Đoàn, Đội tăng cường kiểm tra, lập biên bản, trừ thi đua cá nhân và lớp nếu phát hiện học sinh sử dụng điện thoại tại trường khi chưa được phép.
Trước đó, nhà trường và cha mẹ học sinh trao đổi nội dung này và thống nhất cao không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi. Trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền với gia đình nhằm hạn chế cho trẻ mang điện thoại đến trường để tập trung học tập.

Không cực đoan
Theo bà Phạm Thị Thu Hà - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hải Phòng, học sinh sử dụng điện thoại trong trường học được quy định tại Thông tư 32, Điều lệ trường trung học và công văn hướng dẫn của ngành.
Theo đó, các cơ sở giáo dục, giáo viên có quyền quyết định việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học hay không, điều này tùy thuộc bài học để mang lại chất lượng giáo dục. Ngoài ra, việc siết chặt sử dụng điện thoại khi không được phép của nhà trường, giáo viên cần thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 6D13, Trường THCS Ngô Quyền (Lê Chân, Hải Phòng) chia sẻ, với một số bài học ứng dụng công nghệ thông tin, cô Hà Thị Lan cho học sinh sử dụng điện thoại để học bài. Tuy nhiên, việc dùng điện thoại dưới sự kiểm soát của cô và các tổ trưởng. Trước đó, cô chủ động thông tin trên nhóm để cha mẹ cho các em mang điện thoại đi học.
Hạn chế tình trạng học sinh lạm dụng điện thoại, theo cô Phạm Thị Hương Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Lê Chân, Hải Phòng), ngay đầu năm, nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không sử dụng điện thoại trong giờ học nếu không phục vụ việc học tập. Mỗi lớp có một tủ hoặc giá để điện thoại riêng. Học sinh đến lớp cất vào nơi quy định, có cán bộ lớp giữ chìa khóa và chỉ mở tủ khi kết thúc tiết học cuối. Các em chỉ được lấy điện thoại khi có việc cấp thiết và được sự đồng ý của giáo viên.
Trường THPT Trần Nguyên Hãn bố trí giáo viên trực sẵn sàng hỗ trợ học sinh kết nối liên lạc với gia đình nếu có nhu cầu. Đồng thời, trường tăng cường giám sát bằng hệ thống camera; chủ động thông báo tới học sinh nếu các tiết học, tiết sinh hoạt chuyên đề, hay hoạt động ngoại khóa được dùng điện thoại.
Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện kiểm tra, nhắc nhở và báo cáo với nhà trường về các trường hợp vi phạm. Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và gia đình sẽ phối hợp xử lý học sinh không thực hiện nghiêm quy định.
Bà Đỗ Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh trong các nhà trường cần thiết và quan trọng. Bởi nếu được định hướng đúng, người học sẽ không lạm dụng, lệ thuộc điện thoại. Các em hoạt động, giao tiếp với nhau nhiều hơn, từ đó nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như hiệu quả dạy học.