Sau khi tốt nghiệp đại học, Đình Trọng quyết định gắn bó với nghề xăm nghệ thuật. Đến nay, anh làm được 4 năm, dù trước đó từng bị mẹ ngăn cản.
Trong một ngôi nhà ở trung tâm thủ đô, nghệ sĩ xăm tự do Trần Đình Trọng (28 tuổi) đang phục vụ cho một khách hàng nam giới. |
Trọng tốt nghiệp khoa Thiết kế Mỹ thuật, Đại học Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội) cách đây gần nửa thập kỷ. Ra trường, anh chọn cho mình con đường trở thành nghệ sĩ xăm tự do và đến nay hoạt động trong lĩnh vực này được 4 năm. |
Chàng trai sinh năm 1988 chia sẻ, từ bé, anh đã có sở thích vẽ lên chân tay mình và các bạn bè trong lớp. Với anh, mỗi hình xăm đều có ý nghĩa riêng. Hai hình cây nấm trong trò chơi điện tử Mario trên tay Trọng thể hiện ý niệm mỗi con người khi lớn lên và trưởng thành là một lần được tái sinh. |
Trọng đang vẽ phác thảo hình khách hàng chọn. "Hiện nay, có khá nhiều người học nghề xăm hình. Ngay từ những ngày đầu, xăm ra đời nhằm mục đích tôn vinh tôn giáo, phô trương giai cấp... Nhưng theo biến chuyển của thời gian, ý nghĩa của môn nghệ thuật này một phần nào đó đã thay đổi", anh chia sẻ. |
Việc xuất hiện của Internet giúp khách hàng chọn hoạ tiết trở nên dễ dàng hơn với những mẫu trên mạng. Có người chọn hình xăm sẵn có tại trang web, có người đặt riêng nghệ sĩ vẽ để độc đáo hơn. 8X cho biết, với mỗi hình, anh đều biến tấu riêng nhằm tạo ra sự khác biệt. |
Mỗi lần xăm, Trọng sẽ dán thử hình lên vị trí đó để khách xem trước. Đối với các bạn trẻ, anh thường khuyên nên về nhà suy nghĩ một thời gian vì nó sẽ gắn với cơ thể cả đời. |
Ngày càng có nhiều người theo nghệ thuật xăm mình. Có người tốt nghiệp trong ngành mỹ thuật, có người sẽ tự học hỏi qua kinh nghiệm của bậc tiền bối đi trước. Với nền tảng kiến thức sẵn có, chàng trai phối màu, vẽ hình khá chuẩn và giảm thiểu các trường hợp ghi dấu không như ý. |
Anh Nguyễn Hoàng Vũ - một nhân viên văn phòng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) - là khách hàng quen thuộc của Trọng. Anh Vũ chia sẻ từng bị gia đình phản đối rất nhiều. Do đó khi ở nhà, anh thường mặc quần áo dài tránh gây khó chịu cho bố mẹ. Người này bảo, mỗi hình xăm đều có một ý nghĩa. Trên mình anh có vẽ bà ngoại với ngày mất để luôn tôn thờ và ghi nhớ. |
Với sự ra đời của máy xăm điện tử, ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn lựa làm đẹp cho mình bởi sự tiện lợi và mỹ thuật. Trọng kể, thực tế trong ngành Sân khấu biểu diễn, không ít ca sĩ, người mẫu xăm mình. Lý do thì nhiều nhưng mỗi người đều có nguyên nhân riêng để “trổ” trên thân những hình họa. |
Trần Xuân Tuấn (sinh năm 1991, làm nghề quản trị du lịch) cho biết, anh xin nghỉ làm, từ Hạ Long lên Hà Nội xăm mình, qua lời giới thiệu từ một người bạn. Khi về, anh sẽ giấu gia đình. |
Việc ghi dấu này đòi hỏi sự tập trung cao độ và cực kỳ cẩn thận. Trọng chia sẻ, xăm hình khác vẽ tranh vì nó không thể làm lại. Đã có lần thực hiện cho khách không được như ý muốn, dù người đó không trách móc, anh vẫn cảm thấy hối hận. |
"Cái đau ngay tức thời khi vùng da bị chích và về lâu về dài những huyệt đạo xung quanh hình xăm sẽ yếu đi, đó là tác động hết sức cơ học có thể nhìn thấy", Trọng tâm sự. |
Anh cho biết, có ngày anh khá mệt mỏi khi phải xăm cho khách liên tục tới 15 tiếng. Trong quá trình đó, cả thợ lẫn khách đều nghỉ ngơi để đảm bảo chất lượng. Trước khi trở thành nghệ sĩ tự do, Trọng đã thử nghiệm hình trên bản thân để chắc tay và hoàn thiện nét vẽ. |
Có người chọn xăm vì kỷ niệm, có người vì mục đích phong thủy. Sau mỗi lần ghi dấu, khách hàng sẽ phải kiêng một số món ăn và hoạt động cẩn thận để giữ hình. Tuy nhiên, nhiều người không kiêng được hoặc có tư tưởng xăm theo trào lưu dẫn tới những điều đáng tiếc như hỏng hình hay xóa xăm. |
Trọng đang ở nhà một khách hàng tên Tuấn. Với những hình xăm lớn mất nhiều ngày, anh phải tới phục vụ tận nơi theo yêu cầu. Anh Tuấn (chủ quán cafe) cho biết, anh sinh năm khỉ nên chọn hoạ tiết Tôn Ngộ Không vì thấy nó đẹp và thể hiện được cá tính. Hình xăm của anh phải thực hiện kéo dài hơn 40 tiếng. |
Sau khi hoàn thành công việc, bàn tay của chàng trai sinh năm 1988 đầy màu và bị đỏ do cầm máy quá lâu. |
Bà Hiến - mẹ - Trọng tâm sự, cả gia đình đều là giáo viên. Việc Trọng theo nghề xăm làm bà khá buồn. Còn 8X chia sẻ, thời gian đầu, anh bị mẹ ngăn cấm, nhưng sau đó bố động viên cứ làm tốt việc mình yêu thích, chọn lựa. |
Đã qua rồi thời xăm là đại diện cho những gì thiếu lương thiện hoặc dữ dằn. Nókhông còn là “vật chứng” của ai đó một thời lầm lỡ, mà trở thành tác phẩm nghệ thuật đại diện cho cá tính riêng. "Xuất phát điểm từ nền văn hóa của một đất nước Á Đông, nơi một thời gian dài cái tôi bị hòa chung vào cái ta, đặc biệt là văn hóa làng xã, việc hình xăm bị phán xét cũng là điều dễ hiểu", Trọng phân tích. |