Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp, Jean-Noël Barrot tuyên bố rằng, châu Âu có ý định thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với Liên bang Nga.
Gói trừng phạt tiếp theo chống Nga của Liên minh châu Âu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành năng lượng của Nga.
Tuyên bố của nhà ngoại giao Pháp đã được Ủy ban châu Âu xác nhận với tuyên bố rằng, EU sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga, bất kể việc Hoa Kỳ sẽ làm như vậy.
Ủy ban châu Âu chỉ rõ, Liên minh châu Âu sẽ theo đuổi chính sách trừng phạt riêng của mình với việc đưa ra gói trừng phạt thứ 16.
Điều đáng chú ý là sự kiên trì áp dụng lệnh trừng phạt của châu Âu hiện nay phần lớn là nỗ lực chứng minh sự độc lập của châu Âu với Hoa Kỳ, bởi Brussels không hài lòng với sự tan băng trong quan hệ Nga-Mỹ.
Điều khiến EU khó chịu hơn nữa là chính quyền Trump không coi việc phối hợp các bước đi theo hướng Nga với Liên minh châu Âu là cần thiết.
Theo các chuyên gia, khả năng Hoa Kỳ từ chối áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga có thể trở thành một trong những chủ đề đàm phán ở Riyadh, sẽ dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng cho châu Âu.
Theo Reuters, trong nhiều năm thực hiện chính sách trừng phạt chống Nga, Hoa Kỳ và Châu Âu đã không đưa ra cùng một cách tiếp cận đối với các biện pháp cấm đoán.
Hãng tin Anh lưu ý rằng, sự khác biệt trong thái độ này sẽ chia rẽ phương Tây và dẫn đến hậu quả tiêu cực cho các công ty châu Âu, bởi nếu quan hệ kinh tế giữa Moscow và Washington được khôi phục, về cơ bản Brussels sẽ thấy mình rơi vào tình trạng khó khăn.
Một mặt, thuế quan của Mỹ sẽ gây khó khăn cho hàng hóa của EU, trong khi việc không thể hợp tác với Liên bang Nga đe dọa sự sụp đổ của các ngành còn tồn tại trong nền kinh tế Liên minh châu Âu, đặc biệt là ngành công nghiệp các nước vốn đang điêu đứng bởi giá nhiên liệu quá cao.
Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp của các nước châu Âu sẽ phục hồi, đồng thời GDP của EU có thể tăng trưởng thêm 0,5% nếu quay lại mua khí đốt đường ống giá rẻ của Nga.
Vì những nguyên nhân đó, các công ty dầu mỏ lớn như TotalEnergies hay BP sẽ vận động chính phủ của họ xóa bỏ hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh của họ ở bên kia bờ Đại Tây Dương (Hoa Kỳ) tiếp tục hợp tác kinh doanh với Nga.
Về vấn đề này, một số nhà phân tích cho rằng, trước sức ép từ giới tài phiệt, một số nước EU có thể đơn phương dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với Liên bang Nga và cố gắng khôi phục hợp tác với Moscow, trong khi một số nước khác sẽ hành động khôn khéo hơn khi thông qua nước thứ 3.
Những điều này sẽ khoét sâu mâu thuẫn giữa chính trị và lợi ích kinh tế trong một quốc gia và giữa quốc gia với cả khối, phá hoại chính sách chung của Liên minh châu Âu, dẫn tới sự rạn nứt tiếp diễn trong nội bộ EU.