Việt Nam là một nước nông nghiệp. Căn cốt văn hóa của người Việt bắt nguồn từ sinh hoạt làng xã và văn minh lúa nước. Từ chuyện ăn mặc, đối nhân xử thế đến cưới xin, ma chay, lễ tết, hội hè đều bắt nguồn từ tinh thần nông dân, cày sâu cuốc bẫm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Thế kỷ 21 – thời đại của khoa học, công nghệ, internet, thế giới phẳng khiến Việt Nam thay đổi không ngừng. Người dân đô thị bắt đầu quan tâm đến chuyện tắc đường, tai nạn giao thông, vấn nạn thực phẩm bẩn. Những khu chung cư mọc lên như nấm, người nhập cư khắp nơi kéo về, văn hóa làng xã gần như bị phá vỡ.
Nhưng đó là câu chuyện của thành phố. Mặc lòng, đời sống của những người nông dân thôn quê, tuy có đổi khác nhưng có chăng chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Đằng sau “bê tông hóa”, vẫn là những con người của lũy tre làng, hai sương một nắng, chân lấm tay bùn, sống nhờ đồng ruộng.
Hơn 60% dân số của Việt Nam vẫn ở nông thôn. Và nông dân vẫn là đối tượng khán giả “vàng” mà nhiều đạo diễn phim truyền hình hướng đến. Chỉ có ở những làng quê, người ta mới thấy cảnh cả gia đình già trẻ, lớn bé cùng ngồi trước một màn hình TV để xem một bộ phim.
Một đạo diễn từng tâm sự rằng khán giả nông thôn là đối tượng trung thành nhất với màn ảnh nhỏ. Làm phim về nông dân cũng sẽ đảm bảo về lượng rating vì ở Việt Nam, câu chuyện về đằng sau lũy tre làng chưa bao giờ là cũ, thậm chí còn rất nóng.
Tranh chấp đất đai
Đất đai là vấn đề muôn thuở ở làng quê. Người nông dân coi đất đai, ruộng vườn là tài sản lớn nhất, là kế sinh nhai. Do vậy, những tranh chấp ở làng quê cũng thường bắt nguồn từ chuyện đất đai, vườn tược, dù đó là mâu thuẫn người dân - người dân hay chính quyền - người dân.
Bão qua làng là bộ phim gây bão màn ảnh vì đề cập trực diện đến vấn đề thu hồi đất đai. Câu chuyện bắt đầu khi trang trại của vợ chồng Lận - Đận ở làng Đợi đột ngột đứng trước nguy cơ bị thu hồi đất, do dự án mở đường giao thông và công trình phúc lợi để xây dựng nông thôn mới.
Vợ chồng Lận - Đận lâm vào cảnh hoang mang và lo lắng khi vốn liếng đã đổ hết vào trang trại. Hai người khổ sở tìm cách để cứu lấy tài sản của mình nhưng tiếng nói của họ bị chìm lấp trong cuộc bầu cử trưởng thôn đang sôi sục ở làng.
Bão qua làng khiến người xem khóc cười ra nước mắt. Cười thoải mái với sự chân chất của những người nông dân. Nhưng không khỏi rơi lệ khi thấy người nông dân ngăn người vào giải tỏa nhà bằng cách uống thuốc sâu tự vẫn. Đất đai là sinh kế, không có đất, họ như mất con đường sống.
Tương tự như Bão qua làng, Gió làng Kình cũng phản ánh mặt trái của vùng quê trong thời kinh tế thị trường.
Từ hiện tượng người dân đang sôi sục vì đất cát, nóng lòng trong cơn sốt làm giàu, đến chuyện sử dụng quyền dân chủ cơ sở qua tấm phiếu bầu không đúng đắn (vì những lời hứa hẹn, phỉnh nịnh mà bầu ra người trưởng thôn gian ác, hiểm độc, phá hoại cuộc sống bình yên của làng xóm).
Phim mang đến cho người xem thông điệp: Người dân, nhất là người nông dân, cần có sự tỉnh táo khi sống trong thời điểm có quá nhiều thay đổi đến với cuộc sống, làng quê của họ. Những quyết định sai lầm vì quyền lợi trước mắt sẽ mang tới những hậu quả vô cùng tai hại cho bản thân, gia đình và làng xóm.
Đặc biệt, bi kịch từ tranh chấp đất đai trở lên đỉnh điểm trong bộ phim Chuyện làng Nhô, chuyện thể từ tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Phim dựa trên câu chuyện có thật ở một làng quê. Những người nông dân nơi đó do có những mâu thuẫn với một số cán bộ chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai, cách thức làm ăn, đời sống sinh hoạt, đã kiến nghị, đã phản đối. Và cuối cùng thành ra chống đối khi có kẻ xấu ở làng bày mưu xúi giục, tìm cách lái họ chệch hướng đấu tranh.
Đất và người được xem là một trong những bộ phim truyền hình xuất sắc nhất về nông thôn.
Mâu thuẫn dòng họ
Đất và người (2002) được xem là một trong những bộ phim truyền hình xuất sắc nhất về đề tài nông thôn ở Việt Nam. Tác phẩm được nhiều thế hệ khán giả nhớ đến vì đã khắc họa bức tranh làng quê chân thực nhất có thể.
Chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, những tình tiết trong phim như bước ra từ chính cuộc sống làng quê với đủ loại người. Có những người chất phác, hiền lành, cam chịu nhưng cũng không ít kẻ mưu mô, thủ đoạn, toan tính thấp hèn.
Đất và người kể về mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh Bá – Vũ Đình. Mâu thuẫn từ thời trẻ giữa hai ông trưởng họ kéo theo cả sự thù hằn bao trùm một vùng quê và ảnh hưởng đến hạnh phúc đôi lứa của các thế hệ sau. Vì những hận thù họ thậm chí sẵn sàng thực hiện ý định “đào mổ quốc mả” của dòng họ khác.
Ngoài việc khắc họa, những khuôn mặt bị tha hóa về nhân cách trong những cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình, Đất và người còn tập trung miêu tả những thân phận con người dưới đáy xã hội.
Tuy bị dồn ép, vùi dập đến không ngóc đầu nổi nhưng trong họ vẫn tiềm ẩn một khát vọng dân chủ. Đại diện cho những con người đáng thương ấy chính là lão Quềnh, Thó, Tám "lé",…
Năm tháng qua đi, những câu chuyện trong Đất và người tưởng sẽ cũ kỹ, hóa ra vẫn còn đầy tình thời sự. Những mâu thuẫn đó vẫn ẩn lấp trong những làng quê Việt, mà nhiều khi chỉ cần một ngọn lửa là có thể bùng lên.
Ma làng là bộ phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần gây bão màn ảnh nhỏ một thời.
Khát khao làm giàu
Cùng nông dân làm giàu là tên một chương trình truyền hình. Và tất nhiên, làm giàu là một nhu cầu tất yếu của người dân. Nông dân vẫn quen với cái nghèo, với thiên tai, hạn hán, mất mùa. Thế nên, hơn ai hết, họ muốn một cuộc sống lo đủ, giàu có.
Trên màn ảnh nhỏ, có nhiều bộ phim khai thác về đề tài này. Nhưng có lẽ Ma làng là chân thực và thành công hơn cả. Phần 1 của phim lấy bối cảnh ở một vùng quê đói nghèo, lam lũ - nơi mà những trì trệ, u mê vẫn tồn tại. Song hành với đó là nỗ lực của những con người cố gắng thoát khỏi những trì trệ đó, họ muốn thoát nghèo.
Đến phần 2 của Ma làng với tên gọi Làng ma 10 năm sau, với bối cảnh 10 năm sau đổi mới ở làng Bâm Dương. Làng quê dân dã nay đã thay đổi chóng mặt về quy hoạch đô thị và cuộc sống con người. Nhưng cũng vì thế, mà câu chuyện về những người nông dân ở Bâm Dương chưa thể hết.
Phim đi sâu phân tích đời sống tâm lý xã hội của nông thôn với khát vọng làm giàu nhanh, làm giàu bằng mọi giá trong khi người dân còn thiếu các điều kiện tri thức, cơ sở vật chất, trình độ nghề nghiệp cần.
Cách nhìn nhận sai lệch ấy của nhiều người dân đã dẫn đến những bi kịch trong từng cá nhân, từng gia đình, tạo ra tình trạng mất ổn định xã hội và sự phá hủy nền tảng văn hóa, đạo đức đã được xây dựng và gìn giữ từ nhiều đời nay của nông thôn Việt Nam.
Ngoài Đất và người, Bão qua làng, Ma làng,... còn rất nhiều tác phẩm khác về đề tài người nông dân. Muốn khắc họa sự yên bình, không bối cảnh nào thích hợp bằng làng quê. Nhưng để đốt nóng màn ảnh cũng khó đề tài nào qua được chuyện đất cát, mâu thuẫn dòng họ của người nông dân.
Và, bao giờ câu chuyện về những người nông dân trên màn ảnh mới yên bình, êm ả như điều mà ai cũng muốn?