Thậm chí, trong lá gan của nhà khoa bảng ấy còn có khí tiết anh hùng hiếm thấy.
Ông tổ môn đấu vật
Lê Tuấn Mậu, người làng Nhội, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (nay là làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội). Năm 24 tuổi, ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời vua Lê Thánh Tông.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” khi nhắc về khoa thi này, cho biết: “Vua thân ra đầu đề văn sách. Sai Thượng thư Binh bộ Định Công bá Trịnh Công Đán và Thượng thư Hình bộ Lễ Năng Nhượng làm đề điệu; Phó đô Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm làm giám thi; Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và Thượng thư Lại bộ Nguyễn Bá Ký làm độc quyển.
Vua xem quyển thi, xếp thứ bậc cao thấp, cho bọn Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Lê Tuấn Mậu 19 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Đình Quát 32 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân”.
Sau khi thi đỗ, Hoàng giáp Lê Tuấn Mậu được bổ chức quan, từ chức trách trông coi ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế, lương bổng, ông còn trải qua các chức: Ngự sử đài, Đô ngự sử, Thư điện tiền đô chỉ huy sứ, Lễ bộ Thượng thư. Ông nổi tiếng thanh bạch, cẩn trọng, cứng rắn và thẳng thắn, rất được người đời mến trọng.
Lê Tuấn Mậu từng làm Phó sứ sang nhà Minh năm 1498 cùng với Nguyễn Quan Hiền và Phạm Thịnh. Thời điểm Mạc Đăng Dung chuyên quyền, ông sớm nhận ra chân tướng họ Mạc. Giai thoại khiến Lê Tuấn Mậu được nhớ đến nhiều nhất chính là keo vật cùng với Mạc Đăng Dung.
Chuyện kể rằng, vào một năm nọ dưới thời vua Lê Uy Mục, triều đình tổ chức hội thi tuyển tráng sĩ và người trở thành Võ Trạng nguyên của năm đó. Sau đó, họ Mạc được sung vào đội Túc vệ, giữ việc cầm dù theo xe vua. Sách “Đại Việt thông sử” cho biết, khoảng thời Đoan Khánh, Mạc Đăng Dung được thăng bổ chức Đô chỉ huy sứ vệ Thiên vũ.
Nhận thấy việc thăng tiến quá nhanh của Mạc Đăng Dung có thể gây hậu họa cho đất nước về sau, Lê Tuấn Mậu cảm thấy không phục và cũng không ít lần cảnh báo nhà vua. Vốn không ưa vị Tiến sĩ họ Lê, họ Mạc lập tức xin vua để được tỉ thí cùng Lê Tuấn Mậu. Dù là tiếng văn quan, nho sĩ “trói gà không chặt”, song Lê Tuấn Mậu vốn là một đô vật nên không ngần ngại mà nhận lời thách đấu.
Đến ngày tỉ thí võ nghệ, Lê Tuấn Mậu bôi mỡ vào mình, cài thêm kim vào tóc và khố, dùng mẹo để đánh thắng tuyệt đối con người lực lưỡng tài ba như Mạc Đăng Dung đến mức suýt chết. Keo vật được ghi danh trong sử sách, không chỉ hạ bệ cái tôi của Mạc Đăng Dung, mà còn nâng sự thông minh của Lê Tuấn Mậu. Đó cũng là lý do mà sau này, ông được người dân làng Nhội tôn làm ông tổ môn đấu vật cổ truyền.

Quyền thần lộng hành, trung thần bị hại
Đúng như dự đoán của Lê Tuấn Mậu, quyền thế của Mạc Đăng Dung ngày càng lớn, tiến tới kiểm soát toàn bộ triều đình, gây dựng phe cánh gồm thông gia Phạm Gia Mô làm Thượng thư bộ Lễ, em rể là Quỳnh khê hầu Vũ Hộ làm Hữu đô đốc trấn thủ Sơn Tây; ngoài ra còn có các Thượng thư Trình Chí Sâm và Nguyễn Thì Ung ngả theo. Mạc Đăng Dung lại tiến vua một mỹ nhân, giả danh là con gái, vào làm cung tần để dò la tin tức, lại sai em là Mạc Quyết giữ đạo binh Túc vệ, con trai Đăng Doanh giữ điện Kim Quang.
Khi quyền lực đã khuynh loát cả triều đình, Mạc Đăng Dung lộ rõ mưu đồ, đi bộ thì lọng phượng dát vàng, đi thủy thì thuyền rồng dây kéo, ra vào cung cấm không kiêng sợ gì ai. Thậm chí còn ra tay giết thị vệ vốn là những người trung thành với vua Lê Chiêu Tông. Trước sự lớn mạnh của thế lực Mạc Đăng Dung, vua và các cựu thần nhà Lê không bằng lòng, nhưng cũng đành bất lực.
Ngày 27/7/1522, vua Lê Chiêu Tông rời kinh thành chạy sang Sơn Tây hiệu triệu bốn phương hỏi tội Mạc Đăng Dung. Đăng Dung lập em vua là Xuân lên ngôi. Một nước có hai vua, vua Lê Chiêu Tông ở Thanh Hóa đại diện cho lực lượng cựu thần nhà Lê do Trịnh Tuy cầm đầu. Lê Cung Hoàng ngự tại dinh Bồ Đề, mọi việc do Mạc Đăng Dung sắp xếp và đối phó.
Năm 1523, Mạc Đăng Dung sai em là Mạc Quyết mang quân đánh Lê Chiêu Tông và Trịnh Tuy ở Thanh Hóa. Cùng lúc, lại nhân danh vua mới Lê Cung Hoàng tuyên bố phế truất Chiêu Tông làm Đà Dương vương. Năm 1525, Mạc Đăng Dung tiến đánh Trịnh Tuy ở đầu nguồn Thanh Hóa. Trịnh Tuy thất thế rồi qua đời, Chiêu Tông bị bắt giải về kinh đô, sai đồ đảng là Phạm Kim Bảng bí mật giết Chiêu Tông ở chỗ bị giam lỏng.
Sau đó, Mạc Đăng Dung tiếp tục đánh dẹp các lực lượng trung thành với Lê Chiêu Tông, tiêu diệt các tướng chống đối. Sau khi đàn áp một số lực lượng nổi dậy, thế lực Mạc Đăng Dung vô cùng mạnh mẽ, kiểm soát và làm chủ vùng Kinh Bắc, quan lại và quân dân đến quy phục ngày một đông.
Tháng 4 năm 1527, Lê Cung Hoàng sai đình thần cầm cờ tiết đem kim sách, áo mão thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, lọng tía đến Cổ Trai, tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương, gia thêm cửu tích. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai trở lại kinh đô ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi.
Trong tình thế không thể cứu vãn, nhiều đại thần nhà Lê đã tử tiết tỏ lòng trung. Đàm Thận Huy gửi thư cho gia đình rằng: “Con người ta sinh ra trong khoảng trời đất, lấy trung, hiếu làm vinh, chăm lo đến tước trời thì tước người sẽ đến. Các con nên theo lời dạy của thánh hiền: Phải biết thế nào là trung, thế nào là hiếu. Sau khi ta chết, hãy thận trọng, chớ có theo Ngụy triều, nhận chức tước của Ngụy triều, được thế thì ý nguyện của ta cũng thỏa vậy”.
Đàm Thận Huy cùng với những người ứng nghĩa, nhìn về Lam Sơn xa xăm, vừa lạy vừa khóc, rồi uống thuốc độc tự vẫn. Phu nhân ông là Nghiêm Thị Hiệu (em gái bạn đồng khoa là Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm, người làng Quan Độ, ngay cạnh làng Me) và hai người con gái út của ông cũng tuẫn tiết ở vùng Yên Thế Thượng, Bắc Giang.
Sử gia Lê Quý Đôn chép: “Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô”. Sau thời khắc chiếm ngôi ngày 15/6/1527, Mạc Đăng Dung biết giành được ngai vàng đã khó, thu phục được nhân tâm còn khó hơn nên ra sức trưng dụng, vỗ về, thậm chí mua chuộc, ép buộc rất nhiều quan lại của nhà Lê tiếp tục làm việc.
Lúc này Nguyễn Thái Bạt trở về quê Bình Lãng (Hải Dương), rồi lại đến trang Phan Xá dạy học. Lê Tuấn Mậu cũng rời triều chính về quê, ông đã truyền dạy cho bà con trong làng bộ môn vật để rèn luyện ý chí, sức khỏe. Mạc Đăng Dung cho hạ thần dò tìm Nguyễn Thái Bạt, Lê Tuấn Mậu, ép vời vào cung để bổ dụng chức tước. Biết không thể từ chối được mãi, Lê Thái Bạt giả vờ thong manh (mắt kém) để từ chối làm quan, Lê Tuấn Mậu âm thầm giấu đá vào tay áo tiến vào trong cung.

Mưu sự bất thành, danh tiếng ngàn thu
Mạc Đăng Dung cho thảo tờ chiếu giả, cướp ngôi nhà Lê, các quan đến chúc mừng. Thầy dạy của Nguyễn Thái Bạt là võ sĩ Nguyễn Văn Vận vốn giữ chức Đô ngự sử từ ngoài tiến đến trước ngai vàng, cầm cái hốt đánh thẳng vào mặt nhưng Mạc Đăng Dung tránh được. Túc vệ phía sau điện vội xông ra bắt Nguyễn Văn Vận lôi tuột đi.
Lễ bộ Thượng thư Lê Tuấn Mậu tiến vào, khi tới gần Mạc Đăng Dung đã ném hòn đá giấu sẵn trong tay áo, nhưng viên đá sượt qua mặt Đăng Dung và chỉ làm xây xước nhẹ. Túc vệ vội chạy ra lôi Lê Tuấn Mậu đi. Tuy nhiên, có một số tài liệu khác viết rằng, Lê Tuấn Mậu ném chiếc nghiên đá vào Mạc Đăng Dung rồi đâm đầu vào cột đá tự vẫn.
Mạc Đăng Dung lên ngôi, tức là vua Mạc Thái Tổ, chính thức lập ra nhà Mạc. Nhà Lê truyền được 100 năm đến đây kết thúc, nhưng công đức vua Lê Thái Tổ và vua Lê Thánh Tông làm cho nhiều người không quên nhà Lê, cho nên dù Mạc Đăng Dung có cướp được ngôi cũng không được lâu bền. Chẳng bao lâu, khắp nơi nổi lên những đội quân “phù Lê diệt Mạc”.
Câu chuyện một lòng phụng sự, trung thành với nhà Lê, tận trung với nước, công đức của Tiến sĩ Lê Tuấn Mậu vẫn còn lưu danh sử sách, được người dân truyền miệng qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Đến khi nhà Lê bước vào trung hưng, ông được truy phong Thượng đẳng phúc thần. Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” có viết một mục về ông tại phần “Nhân vật chí” và xếp ông vào hàng “Bề tôi tiết nghĩa”.

Vua Tự Đức từng có thơ cảm khái về Lê Tuấn Mậu: “Phản tướng tiên tri thục dữ mưu/Hà kham điến diện sự gian du/Tụ trung hoài thạch tuy hư trịch/Thượng hữu tâm trung thạch khả đầu” (Tướng phản xem qua biết đã lâu/Thẹn thùng nhìn mặt kẻ gian thâu/ Trong mình giấu đá quăng không trúng/Đá giấu trong lòng chửa hết đâu).
Sau khi Lê Tuấn Mậu qua đời, người dân xã Thụy Lâm và nhiều vùng quê xứ Kinh Bắc xưa đã dựng đền thờ, hàng năm tổ chức hội vật để tưởng nhớ đến vị văn quan giỏi võ, danh thần khí tiết. Có tài liệu khác cho rằng, sau khi Mạc Đăng Dung thiêu sống ông, tro than thân thể ông bay tụ vào khu vực cánh đồng Kênh ở bờ hữu sông Cà Lồ. Nhân dân thương tiếc ông nên đã lập đền thờ ngay tại đó, chính là ngôi đền thờ hiện nay.
Ngôi đền được lập từ thời Lê trung hưng và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, dáng vẻ hiện nay mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Năm 2009, đền lại được tôn tạo với phần cổng tam quan xây gạch và bức bình phong trên dãy tường bằng đá có chạm khắc cảnh tứ quý.
Đền nằm trên gò đất cây cối um tùm ở bãi sông dưới chân đê, mặt quay về phía Tây Nam nhìn qua sân và cổng ra một hồ nước nhỏ hình chữ nhật. Bên hữu sân là nhà giải vũ. Tòa tiền tế gồm ba gian xây “đầu hồi bít đốc tay ngai”, gian giữa được kết nối với hai gian hậu cung thành hình “chữ Đinh”. Các bộ vì làm theo kiểu “thượng rường, hạ kẻ”, bào trơn đóng bén. Mái lợp ngói ri, bờ nóc có đắp hình rồng trang trí.
Trải qua nhiều thế kỷ biến động, đến nay, đền thờ Hoàng giáp Lê Tuấn Mậu vẫn giữ được 10 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng để ghi nhớ công đức của một nho sĩ, một bề tôi tiết nghĩa, trung hiếu. Theo Quyết định số 15/VH-QĐ ban hành ngày 27/1/1986, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đền thờ Lê Tuấn Mậu cùng với đình Thụy Lôi, đền Sái và đền Thượng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.