Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro về rối loạn tâm lý, mặc cảm, tự ti ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cuộc sống của trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ tự ti
Theo TS Lê Lan Anh - chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, tuổi dậy thì có biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý, do vậy, trẻ độ tuổi này dễ rơi vào một số trạng thái không ổn định. Trong đó, mặc cảm, không tin vào khả năng bản thân, khiến trẻ mất đi sự bình tĩnh - sự điều tiết hết sức cần thiết đối với tâm lý tuổi mới lớn. Dần dần, nó khiến trẻ trở nên e dè, ngại tiếp xúc, chỉ thích sống một mình, xa rời gia đình, bạn bè.
Chính vì nghi ngờ khả năng của bản thân, các bạn trẻ thường lấy ưu điểm của người khác so sánh với mình, rồi sinh ra chán nản, không phát huy được sở trường vốn có. Chỉ một thất bại nho nhỏ đã khiến các bạn mất đi sự cân bằng tâm lý, nhạy cảm với lời nói của người khác, cho rằng họ cười nhạo mình, dần dần né tránh hoặc gặp chuyện gì khó là co mình lại, thoái thác tham gia.
Trẻ nhút nhát, hay mặc cảm có thể gặp nhiều khó khăn trong học tập, công việc, và cuộc sống trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ cần sớm phát hiện tính cách này và áp dụng những cách giúp trẻ bạo dạn, tự tin thể hiện bản thân hơn nữa.
Theo TS Lê Lan Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính cách nhút nhát, mặc cảm ở trẻ. Có thể kể đến những nguyên nhân như bố mẹ bao bọc trẻ quá mức, ít cho con va chạm, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Không khí gia đình căng thẳng, cha mẹ thường xuyên cãi vã khiến trẻ không vui vẻ, hạnh phúc dần hình thành sự mặc cảm, thiếu tự tin, khó hòa nhập.
Nếu cha mẹ hoặc người tiếp xúc nhiều với trẻ có tính cách nhút nhát, thiếu tự tin, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng tính cách này. Cha mẹ thường xuyên đánh giá thấp trẻ, hay so sánh con mình với những đứa trẻ khác, không công nhận năng lực và giá trị của trẻ cũng có thể khiến chúng không tự tin vào bản thân dẫn đến mặc cảm.
Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ mặc cảm còn có thể do các nguyên nhân như bản thân có ngoại hình không hoàn hảo, thành tích học tập không cao, không có tài năng đặc biệt; Trẻ sống trong môi trường ít có sự tương tác xã hội, không có cơ hội tiếp xúc, giao tiếp với mọi người xung quanh nên lâu dần hình thành lối sống thu mình.
Nếu đắm chìm trong thế giới ảo của điện thoại, máy tính, game, tivi… trẻ cũng mất kết nối với xã hội bên ngoài, hình thành sự nhút nhát thiếu tự tin. Bên cạnh đó, những lời nói tiêu cực, mỉa mai, chê bai sẽ ám ảnh và khiến chúng không dám thể hiện bản thân, không muốn hòa đồng với mọi người.
Những đứa trẻ từng bị bạo lực học đường cũng có xu hướng trở thành những trẻ thiếu tự tin, mặc cảm.

Trẻ nhút nhát có các biểu hiện như thích ở nhà với những người thân quen, không thích đến nơi đông người, ngại ngùng khi gặp gỡ người lạ. Không muốn trải nghiệm và tìm cách từ chối thử những điều mới lạ vì sợ thất bại, sợ bị cười chê, không tin vào năng lực bản thân. Khó làm quen và kết bạn, tỏ ra lúng túng khi phải ở giữa nhiều người. Thường im lặng khi được hỏi ý kiến, không thể hiện quan điểm cá nhân trước đám đông. Tính cách trầm lắng, ít nói chuyện hơn bạn bè xung quanh. Trẻ dễ tỏ ra thất vọng, chán nản, buồn bã… Trong học tập, trẻ không dám đặt câu hỏi nên dễ bị điểm kém vì chưa hiểu bài nhưng không dám hỏi.
Trẻ mặc cảm, tự ti sẽ gặp nhiều hạn chế trong quá trình phát triển bản thân. Cụ thể là trẻ thường thích ở trong vùng an toàn nên ít có trải nghiệm, không dám thử những điều mới lạ, ít có cơ hội học hỏi, khám phá và không phát huy được hết năng lực của bản thân.
Vì ngại giao tiếp, không dám yêu cầu sự giúp đỡ nên trẻ dễ gặp vấn đề ở trường học hay ngoài cuộc sống. Đáng ngại hơn, tự ti sẽ khiến các bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái stress, thường xuyên thấy mệt mỏi, da xanh xao, mất ngủ, thừa cân...
Hơn nữa, mặc cảm, ngại giao tiếp, sống thu mình trong tập thể sẽ khiến trẻ dễ mắc trầm cảm, hoang tưởng và lệch lạc giới tính tuổi dậy thì do sự thiếu hiểu biết, tâm lý không vững vàng nên dễ bị lôi kéo.
Sống thu mình, ít bạn bè, khó kết bạn thậm chí khó duy trì mối quan hệ lâu dài. Trẻ khó thể hiện cảm xúc cá nhân, cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn, đồng thời dễ bị tấn công, bắt nạt do thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Cách làm bạn với con
Trong giai đoạn phát triển, trẻ sẽ có nhiều cảm xúc, hành vi mà có thể ảnh hưởng đến cách sống sau này của chúng. Vậy làm sao để hiểu và đối phó với những rủi ro về mặt cảm xúc, các hành vi tiêu cực mà không làm tổn thương con?
Theo cô Lê Thu Giang - giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, từ 12 đến 16 tuổi là giai đoạn con sắp trưởng thành, bắt đầu phát triển tính cách riêng của bản thân và muốn trở nên độc lập cũng như có trách nhiệm hơn. Thanh thiếu niên lúc này thường tăng tương tác với mọi người thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại di động. Do vậy, các con sẽ ít dành thời gian cho gia đình hơn. Ngược lại, sẽ dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè, cả trên mạng và bên ngoài.
Tâm lý trẻ trong giai đoạn này có thể phát sinh một số thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ và hành động. Bên cạnh đó, thể chất của trẻ cũng thay đổi. Những thay đổi nhanh chóng dẫn đến những lo âu về kích thước cơ thể, vóc dáng và cân nặng; Lo lắng về chế độ ăn uống; Tâm trạng thay đổi và sợ giao tiếp xã hội hơn; Buồn bã hoặc trầm cảm, có thể dẫn đến tự ti hoặc các vấn đề khác.
Sức khỏe tâm thần kém ở tuổi dậy thì có thể đi kèm với các nguy cơ về sức khỏe và hành vi khác, bao gồm lạm dụng cồn và chất kích thích, bạo lực và quan hệ tình dục không lành mạnh.
Do nhiều thói quen sức khỏe và hành vi sẽ theo con từ lúc dậy thì đến khi con trưởng thành, cha mẹ cần hỗ trợ con lựa chọn các hành vi có lợi cho sức khỏe và hạnh phúc của con.
Để bắt đầu cuộc trò chuyện, hãy hỏi về một ngày của con, cố gắng dành thời gian trò chuyện ngắn với con như khi nấu ăn cùng nhau. Đưa ra những câu hỏi mở, rõ ràng để hiểu cảm xúc của con. Bạn có thể hỏi “Con có thể giải thích... nghĩa là gì không?” hoặc “Con cảm thấy như thế nào nếu...”; về quan điểm của con và thậm chí chia sẻ quan điểm của bản thân bạn để hai người có thể hiểu nhau hơn.
Nếu bạn nghi ngờ con có biểu hiện tự làm hại bản thân. Hãy nhẹ nhàng tiếp cận chủ đề này và cố gắng tìm hiểu xem liệu con có từng suy nghĩ về điều này hay không. Có thể bắt đầu bằng việc hỏi về những người khác thay vì những câu hỏi về con. Chẳng hạn như “Có những người ở tuổi con tự làm hại bản thân mình, con có bao giờ nghe nói đến chuyện này trong nhóm bạn bè mình hay chưa?”.
Trấn an với con rằng, bạn luôn sẵn sàng có mặt để giúp đỡ con, ví dụ như: “Con biết con có thể nói chuyện với bố mẹ về bất cứ điều gì mà”. Điều này giúp trẻ hiểu rằng chúng có thể tâm sự với bạn và bạn có thành ý muốn giúp đỡ con. Để nói chuyện với trẻ ở tuổi dậy thì, cha mẹ hãy công nhận những điều tốt bên cạnh những điều con làm chưa tốt và tuyên dương thành tựu của con, kể cả những thứ nhỏ nhặt nhất.
Trong giai đoạn phát triển này, cũng là khoảng thời gian con phát huy sức sáng tạo và phát triển cá nhân. Do đó hãy phát hiện ra các điểm mạnh ở con. Bạn hãy tìm hiểu một cách khéo léo và tinh tế thói quen sử dụng mạng xã hội và giao tiếp của con. Tâm sự với con về khoảng thời gian con lên mạng và hướng dẫn cách bảo vệ bản thân trước việc bị quấy rối và bạo lực trên mạng. Đảm bảo rằng nếu con gặp rắc rối, hoặc phạm phải sai lầm trên mạng, bạn sẽ ở đây vì con và sẽ giúp đỡ con dù có chuyện gì đi chăng nữa.
Bên cạnh đó, cha mẹ không nên kiểm soát cuộc trò chuyện, và nói hoặc bắt buộc con phải làm những gì. Thay vào đó, hãy hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp con và cùng con phối hợp để tìm ra giải pháp. Trò chuyện với con khi đang nóng giận, bạn hãy rời đi chỗ khác, hít thở sâu và bình tĩnh. Chúng ta có thể nói chuyện lại với con sau. Thay vì cãi vã, người lớn hãy cố gắng thấu cảm với những uất ức của trẻ. Bố mẹ nên nhớ, tinh thần và tâm lý trẻ em có sức chống chịu tốt. Những trải nghiệm khó khăn sẽ là một phần của quá trình trở thành một người trưởng thành độc lập và bản lĩnh của con sau này.
Vì vậy, bố mẹ hãy giúp con cảm thấy gắn bó với trường học, gia đình và bạn bè là cách để nâng cao sức khỏe tâm thần và phòng tránh hàng loạt hành vi tiêu cực như lạm dụng chất kích thích hoặc bạo lực.
“Hãy dành thời gian để tìm cách hỗ trợ, khích lệ và kết nối với trẻ. Chuyện này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có thể chính bạn cũng cần kiên trì và kiểm soát bản thân, nhưng điều này có thể làm được và xứng đáng với những nỗ lực bạn bỏ ra”, cô Lê Thu Giang lưu ý.
TS Lê Lan Anh cho biết, tự ti sẽ khiến các bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái stress, thường xuyên thấy mệt mỏi, da xanh xao, mất ngủ, thừa cân... Hơn nữa, mặc cảm, ngại giao tiếp, sống thu mình trong tập thể sẽ khiến trẻ dễ mắc trầm cảm, hoang tưởng và lệch lạc giới tính tuổi dậy thì do sự thiếu hiểu biết, tâm lý không vững vàng nên dễ bị lôi kéo.