UNICEF tiết lộ các tác động của việc đóng cửa trường học trong đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), việc đóng cửa trường học đã khiến trẻ em mất đi các kỹ năng toán học và đọc viết cơ bản, đồng thời gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần.

UNICEF cảnh báo thiệt hại từ việc trường học đóng cửa.
UNICEF cảnh báo thiệt hại từ việc trường học đóng cửa.

Theo UNICEF, thiệt hại đối với trẻ em về giáo dục trong đại dịch Covid-19 là khó có thể bù đắp, trong đó nhiều trẻ em mất đi “các kỹ năng đọc viết cơ bản” do trường học đóng cửa.

Trưởng bộ phận Giáo dục của UNICEF Robert Jenkins cho biết trong một tuyên bố hôm 24/1 rằng “chúng tôi đang xem xét mức độ mất mát gần như không thể vượt qua đối với việc học tập của trẻ em.”

“Trong khi phải chấm dứt tình trạng gián đoạn trong học tập, nếu chỉ mở lại trường học là không đủ. Học sinh cần được hỗ trợ tích cực để khôi phục nền giáo dục đã mất” – ông Jenkins tuyên bố và nói thêm rằng các trường học “cũng phải vượt qua phạm vi học tập để tạo dựng lại sức khỏe tinh thần và thể chất, phát triển xã hội và dinh dưỡng cho trẻ em”.

UNICEF tuyên bố trẻ em đã “mất các kỹ năng đọc và viết cơ bản” mà các em “sẽ có được nếu ở trong lớp học”. Trong khi đó trẻ nhỏ hơn được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất do không được đi học trực tiếp.

Số trẻ em 10 tuổi ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không biết đọc hoặc viết đã tăng từ 53% lên 70%. Thiệt hại được cho là khá phổ biến, ảnh hưởng đến trẻ em từ Ethiopia và Nam Phi đến Brazil và Mỹ.

UNICEF cảnh báo thêm rằng việc đóng cửa các trường học trong đại dịch “đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, làm giảm khả năng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng thông thường và làm tăng nguy cơ bị lạm dụng”.

Hơn 370 triệu học sinh bị lỡ bữa ăn học đường vì trường học đóng cửa. Đây vốn là thực phẩm dinh dưỡng duy nhất đối với trẻ em nghèo đói. Trong khi đó “tỷ lệ lo âu và trầm cảm cao” đã được ghi nhận ở trẻ em kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, trong đó trẻ em gái bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ