Chỉ hồ sơ giấy là chưa đủ
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, nhà trường dự kiến áp dụng xét tuyển thông qua phỏng vấn nhằm gia tăng cơ hội cho thí sinh và mở rộng các phương thức xét tuyển để đáp ứng tính đa dạng của năng lực người học.
Phương thức này áp dụng cho tuyển sinh chương trình Chất lượng cao (học bằng tiếng Anh), đối với các thí sinh chuyển tiếp nước ngoài. Mục đích của phỏng vấn là để xác định rõ năng lực học ngành mà thí sinh dự tuyển, lộ trình và kế hoạch chuyển tiếp nước ngoài, năng lực tài chính và khả năng chuyển tiếp, năng lực tài chính… Ngoài ra, đây cũng là một thử nghiệm phương thức tuyển sinh khác để trường có thêm nguồn đối sánh với các phương thức tuyền thống đang có.
Trước Trường ĐH Bách khoa TPHCM, đã có một số trường ĐH tổ chức xét tuyển theo hình thức phỏng vấn, như Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), ĐH trực tuyến FUNIX, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK) - Đại học Đà Nẵng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (chuyên ngành Quay phim truyền hình và Ảnh báo chí), ĐH Fullright Việt Nam, VinUni…
PGS.TS Phạm Ngọc Nam – Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính cho biết: “Việc có thêm vòng phỏng vấn sẽ giúp cho việc đánh giá ứng viên được chính xác và toàn diện hơn. Ví dụ, có ứng viên ghi trong hồ sơ được giải nhất 1 cuộc thi quốc tế, tuy nhiên khi được hỏi đóng góp của ứng viên trong nhóm đạt giải cũng như hỏi sâu thêm về sản phẩm thì lại không trả lời được. Chứng tỏ ứng viên không có nhiều đóng góp vào giải thưởng đó. Nếu chỉ duyệt hồ sơ thì ứng viên đã có thể được chấp nhận vào VinUni nhưng qua phỏng vấn thì kết quả hoàn toàn ngược lại”. PGS. TS Phạm Ngọc Nam cũng cho biết, muốn có được “ngọc thô” ta không thể chỉ nhìn vào giấy tờ, mà phải được gặp ứng viên bằng xương thịt. Phải cảm nhận được những tài năng, khát vọng thực sự.
Trọng tâm buổi phỏng vấn?
Thông thường một buổi phỏng vấn tuyển sinh kéo dài 20 - 30 phút. Với mục tiêu tìm kiếm những SV có năng lực toàn diện thông qua kết quả học bạ, các thành tích ngoại khóa, sự phù hợp của đặc điểm cá nhân và sự chuẩn bị cho ngành nộp hồ sơ xét tuyển. Nội dung phỏng vấn của các trường chủ yếu xoay quanh những vấn đề như: Lý do chọn ngành theo học tại trường, những thành tích và kinh nghiệm đạt được, định hướng nghề nghiệp trong tương lai, sở thích cá nhân và các hoạt động ngoài học thuật, ưu và nhược điểm của bản thân…
Một số trường muốn tìm kiếm SV xuất sắc, có thể hỏi thêm những câu “xoay và xoáy” để kiểm tra kiến thức (Tùy theo trường, ngành mà kiến thức đó là Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin hay Ngữ văn…), tư duy logic, sáng tạo… Gần đây nhất, kỳ phỏng vấn tuyển sinh của VinUni đã từng nhận được rất nhiều sự quan tâm, khi quy tụ hội đồng toàn những giáo sư tầm quốc tế. Mục đích của cuộc phỏng vấn vượt xa những câu hỏi đúng hoặc sai mà đi sâu vào thảo luận tìm hiểu nhân cách và các giá trị sống. Một số ứng viên còn “thách thức” cả Hội đồng phỏng vấn bằng việc đưa ra những câu hỏi, những gợi ý về tương lai của VinUni, những trao đổi về nhiều khía cạnh trong xã hội.
Người trực tiếp phỏng vấn thí sinh phần lớn là giảng viên. Thường mỗi cuộc phỏng vấn có ít nhất 2 giảng viên. Trong một số trường hợp, trưởng khoa hoặc ban giám hiệu nhà trường sẽ phỏng vấn bổ sung để đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, thông tin về chương trình đào tạo và các vấn đề liên quan đến ngành/trường được cung cấp từ hội đồng phỏng vấn sẽ rất chuẩn để thí sinh củng cố sự lựa chọn của mình.
Ở ĐH trực tuyến FUNiX, thời lượng dành cho “phỏng vấn ngược” được ưu tiên. Các mentor (là các chuyên gia trong lĩnh vực cần tuyển) sẽ phỏng vấn ứng viên về những nguyện vọng, dự định cá nhân và phân tích bối cảnh nghề nghiệp của mỗi người để từ đó giải đáp sự phù hợp của thí sinh với chương trình học tại đây. Bên cạnh đó, buổi phỏng vấn còn như một buổi tư vấn, ứng viên có thể chia sẻ thẳng thắn những khúc mắc và những câu chuyện cuộc sống khi quyết định tham gia ứng tuyển. Đối với những học sinh hay những người “ngoại đạo” mới bắt đầu, mentors sẽ truyền cảm hứng giúp họ có thêm quyết tâm theo đuổi đam mê. Ngược lại, đối với những cá nhân không có động lực rõ ràng, thái độ không thực sự cầu thị, chưa sẵn sàng “chinh chiến” thì mentors sẽ gợi ý cho họ những lựa chọn khác phù hợp hơn để không gây lãng phí thời gian của hai bên.
Bí quyết ghi điểm
Cũng như ở các buổi phỏng vấn tuyển dụng, sự tự tin của thí sinh sẽ giúp tăng thêm “điểm”. Vì thế, thí sinh nên giữ được ngôn ngữ cơ thể chuẩn mực như ngồi thẳng lưng, giữ giao tiếp bằng mắt với Hội đồng phỏng vấn. Quan trọng là, thí sinh phải là chính mình.
Các chuyên gia tuyển sinh bằng phỏng vấn của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: “Đáp án đúng hay sai không quan trọng bằng quá trình bạn suy luận, kết nối các hiểu biết của bạn để đưa ra đáp án đó. Hãy trả lời trung thực, không quá khoe khoang hay quá khiêm tốn. Nếu không hiểu rõ câu hỏi của Hội đồng phỏng vấn, đừng ngần ngại hỏi lại”.
Cuối buổi phỏng vấn, nhiều nơi cho thí sinh được phép đặt câu hỏi với Hội đồng phỏng vấn. Đây là cơ hội để bạn làm rõ những thắc mắc về chương trình học. Để làm tốt khâu tìm hiểu thông tin về ngành và trường, cũng như thể hiện sự hiểu biết và mức độ quan tâm của mình đối với nơi dự kiến sẽ học tập, thí sinh nên tìm hiểu kỹ về trường trước khi đến với buổi phỏng vấn. Nếu không có câu hỏi nào, thì sinh cũng không có gì phải lo lắng. “Phỏng vấn ngược” không phải là nội dung trọng tâm của buổi phỏng vấn nên thí sinh cân nhắc để hỏi với thời gian phù hợp, không nên quá 5 phút.