Tạo nên sức mạnh chung
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chủ trương của Bộ GD&ĐT trong giai đoạn 2021 – 2025, cơ bản giữ ổn định công tác tuyển sinh, tạo thuận lợi cho thí sinh và giáo viên dạy và học. Bộ cũng giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh cho các trường. Năm 2021, vẫn có kỳ thi THPT, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, đồng thời đưa thêm tiêu chí về kết quả học bạ.
Khoảng 2 năm trước, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có định hướng xây dựng bài kiểm tra tư duy. Năm 2020, bài thi được tổ chức và có mã A19, A20. “Chúng tôi rất sẵn lòng và mong muốn 7 trường trong nhóm kỹ thuật sử dụng chung kết quả của bài thi để tuyển sinh, tiến tới có thể mở rộng ra các trường khác, nhất là trường có khối ngành khoa học kỹ thuật. Điều này phù hợp với nhu cầu lựa chọn của thí sinh có thiên hướng về khối ngành này” – PGS Huỳnh Quyết Thắng cho hay.
Tán thành với chủ trương giữ ổn định trong công tác tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025, PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: Các trường ở phía Bắc có nhóm tuyển sinh chung, chia sẻ công tác tuyển sinh khi xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT. Với nhóm trường phía Nam, cũng có liên kết trên 70 trường để cùng tham gia lọc ảo.
Riêng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, bên cạnh xét tuyển từ nguồn thi THPT, tham gia lọc ảo chung của nhóm trường phía Nam, nhà trường có thêm phương án xét tuyển từ kết quả kỳ thi thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. Đây cũng là phương thức tuyển sinh nằm trong nội dung mà nhóm 7 trường kỹ thuật vừa ký kết thỏa thuận hợp tác.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, trong nhóm 7 trường kỹ thuật, mỗi trường có thế mạnh khác nhau. Việc hợp tác trong tuyển sinh đào tạo đã, đang và sẽ tạo nên sức mạnh chung. Chúng ta có thể sử dụng chung nguồn lực cả về tài liệu học tập, trang thiết bị cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên; nhất là trong thời kỳ giáo dục đại học Việt Nam chuyển mạnh sang số hóa. “Sử dụng chung nguồn tài nguyên (cơ sở vật chất, con người, bài giảng) là quan trọng và thuận lợi.
Trước đây, giảng viên phải đến dạy trực tiếp, bây giờ có thể qua hệ thống online. Chúng tôi đã triển khai rất hiệu quả dạy, học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Chúng tôi tin tưởng, sự hợp tác giữa các trường góp phần triển khai tốt chuyển đổi số, phục vụ đắc lực cho công tác tuyển sinh, đào tạo” - PGS.TS Đoàn Quang Vinh nhấn mạnh.
Khuyến khích hình thức liên kết
PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Mục tiêu của các trường khi hợp tác trong công tác tuyển sinh là tuyển đúng đối tượng. Tức là bảo đảm tiêu chí về chất lượng của nhà trường. Hiện tại, các trường đều có nhiều phương thức tuyển sinh. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có 5 phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, chủ đạo vẫn là hai hình thức: Dựa vào kết quả Kỳ thi THPT và thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Cũng theo PGS.TS Mai Thanh Phong, phương thức tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường. Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thiết kế và tổ chức, thí sinh ở bất cứ đâu đều có quyền tham gia. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đều có quyền lấy kết quả đó để xét tuyển. “Bất cứ kỳ thi đánh giá năng lực nào, nếu phù hợp với tiêu chí của cơ sở giáo dục đại học, chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chúng tôi sẵn sàng sử dụng kết quả đó để tuyển sinh” - PGS.TS Mai Thanh Phong cho hay.
Tại Hội nghị trực tuyến Giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tới đây, Cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp từng bước vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước. Nhằm tăng vai trò tự chủ và trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, với trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường, đồng thời chuẩn bị điều kiện tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập. Bộ cũng khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung, tích hợp phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.