Tuyên Quang triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo tại cơ sở.

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang tại huyện Na Hang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang tại huyện Na Hang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động, đặc biệt là để các hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống

Theo kết quả rà soát năm cuối 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang còn 40.522 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,9%. Trong năm 2023, dự kiến toàn tỉnh giảm 3,51% hộ nghèo, tương đương 7.502 hộ xuống còn 33.020 hộ, từ 18,9% xuống còn 15,39%.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, trong đó có mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống dưới 10%.

Để đạt được kết quả trên, tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa nghèo đa chiều. Cụ thể, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tỉnh chú trọng tới việc hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Nghị quyết số 03).

Nghị quyết số 03 quy định chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng hỗ trợ hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chủ trang trại, hỗ trợ nuôi cá đặc sản, cá chủ lực, hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Nghị quyết cũng quy định nhóm chính sách hỗ trợ về vật tư, giống cây trồng, vật nuôi trong ghép cải tạo giống vườn cây ăn quả, thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò, nuôi lợn đực giống để khai thác tinh, hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng tập trung, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất.

Đặc biệt, đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo Nghị quyết quy định người dân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay vốn mua trâu, bò nuôi sinh sản. Mỗi cá nhân được hỗ trợ lãi suất 1 lần vay. Mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 35 triệu đồng/con trâu cái sinh sản; 25 triệu đồng/con bò cái sinh sản. Tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 100 triệu đồng/cá nhân...

Sau gần 2 năm triển khai, Nghị quyết số 03 đã trở thành điểm tựa cho nhiều người dân vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tháo gỡ những nút thắt về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, đa giá trị của nông dân, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chủ tịch UBND xã Linh Phú (Chiêm Hóa) Tái Văn Mùi, bày tỏ: Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Hiện nay xã đã có sản phẩm OCOP chè Pà Thẻn đưa ra thị trường. Ngoài ra, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại hiệu quả.

Nông dân xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình trồng dưa chuột phát triển kinh tế gia đình.

Nông dân xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình trồng dưa chuột phát triển kinh tế gia đình.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ

Tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ. Trong đó tiếp tục ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động; chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo; nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 3.820 hộ nghèo; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo… Từ đó góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Từ các chính sách của Nhà nước, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo tại cơ sở đã được thực hiện và đem lại hiệu quả cao.

Điển hình như tại huyện Lâm Bình, Hội Nông dân xã Phúc Sơn với hơn 1.200 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 16 chi hội thôn bản. Để tạo đà cho hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội đã tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội cho 279 hộ vay trên 13 tỷ đồng; 138 thành viên vay 10,3 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có 25 hộ thực hiện dự án chăn nuôi trâu vay tổng số tiền 600 triệu đồng từ quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh.

Ngoài ra, Hội còn quan tâm ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy nông dân kinh doanh sản xuất, chăn nuôi và phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả.

Đến nay, Hội đã thành lập mới 3 tổ hội nghề nghiệp về chăn nuôi trâu sinh sản và làm du lịch cộng đồng; thành lập tổ nhóm trồng dưa chuột, vận động hội viên tham gia tổ hợp tác trồng lạc, nhóm sở thích nuôi dê... Bước đầu các mô hình kinh tế này đang phát huy hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Bằng sự động viên khích lệ, hỗ trợ lẫn nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, hằng năm trong tổ chức Hội có 300 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã giúp 80 hộ nghèo thoát nghèo; bình quân thu nhập đầu người 35,3 triệu đồng/người/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ