Không để ai bị bỏ lại phía sau
Vĩnh Phúc hiện có 41 dân tộc sinh sống, trong đó, có hơn 55.000 người là đồng bào DTTS, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Tỉnh hiện không còn xã đặc biệt khó khăn; 37/40 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); cơ sở hạ tầng tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người tại xã vùng DTTS&MN của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tiếp tục chủ trì, tham mưu thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, các mô hình và các nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện.
UBND các huyện, thành phố chưa bố trí nguồn lực thực hiện chương trình năm 2023 (từ nguồn ngân sách cấp huyện) khẩn trương rà soát, lập kế hoạch dự toán đầu tư các nhiệm vụ báo cáo, trình HĐND cùng cấp phê duyệt để bổ sung kinh phí thực hiện.
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó hình thành và phát triển vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý, chú trọng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị; tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng; tập trung bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Đồng thời, nâng cấp và bảo vệ các công trình chứa nước, đầu tư chỉnh trang hệ thống công trình tôn giáo khu vực có nhiều đồng bào DTTS sinh sống để phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; thực hiện vai trò chủ đạo trong sản xuất, đảm bảo nông dân được hưởng nhiều ưu đãi hơn khi tham gia hợp tác xã.
Xã Đạo Trù có gần 90% dân số là đồng bào DTTS. Từng là xã thuộc diện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Tam Đảo, nhưng nhờ sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân xã Đạo Trù đã được nâng cao đáng kể.
Ông Lưu Xuân Năm, Bí thư xã Đạo Trù chia sẻ: Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng lồng ghép các chương trình giảm nghèo gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã điều tra từng thôn, hộ, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, vận động người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư kinh doanh.
Chính quyền xã Đạo Trù thường xuyên phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tam Đảo tạo điều kiện cho người dân vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, xây, sửa nhà cửa.
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ kinh tế còn khó khăn trên địa bàn xã Đạo Trù đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế. Đến nay, hộ nghèo của xã xuống còn 3,2%.
Trường tiểu học Hồ Sơn (Tam Đảo) được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào. Ảnh: Dương Hà |
Nâng cao dân trí để giảm nghèo
Những năm qua, chất lượng giáo dục đối với học sinh vùng DTTS tại Vĩnh Phúc có chuyển biến tích cực, các chính sách đãi ngộ đối với học sinh, sinh viên, giáo viên người DTTS được thực hiện kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tỉnh đầu tư ngày càng khang trang, đảm bảo công tác dạy và học.
Văn hóa xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được quan tâm củng cố, xây dựng và không ngừng nâng cao, các hoạt động văn hóa được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trong vùng đồng bào DTTS&MN, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy giá trị.
Tam Đảo là huyện miền núi, nằm ở phía Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc với trên 40% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Sán Dìu.
Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện và ngành Giáo dục của huyện luôn dành sự quan tâm đúng mức cho giáo dục và đào tạo.
Nhờ vậy, công tác giáo dục nói chung và giáo dục vùng DTTS nói riêng của huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được tăng cường; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ bản đủ số lượng, chuẩn hóa về trình độ. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các trường được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn.
Thời gian tới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ưu tiên phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN; gia tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển cơ sở vật chất trường, lớp các cấp học từ mầm non đến THPT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương.
Mặt khác, đảm bảo 100% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí theo quy định.