Hà Giang nỗ lực giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Tỉnh Hà Giang huy động nguồn lực trong xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, tiến tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nuôi bò giúp nhiều hộ nông dân huyện Đồng Văn thoát nghèo. Ảnh: My Ly
Nuôi bò giúp nhiều hộ nông dân huyện Đồng Văn thoát nghèo. Ảnh: My Ly

Huy động tối đa các nguồn lực

Qua rà soát, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Hà Giang có 94.727 hộ nghèo, cận nghèo đa chiều; chiếm 49,95% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 8.889 hộ, giảm 5,17% so với cuối năm 2021). Trong đó, 70.318 hộ nghèo và 24.409 hộ cận nghèo. Mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản của hộ nghèo đa chiều chủ yếu tập trung vào các tiêu chí về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Năm 2023, toàn tỉnh Hà Giang phấn đấu giảm 7.660 hộ nghèo đa chiều, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 4,0%, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Giải quyết việc làm cho 17.800 lao động.

Trong đó, đi làm việc ở các tỉnh trong nước và làm việc ở nước ngoài 10.200 lao động. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm…

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, tỉnh Hà Giang đã tập trung nghiên cứu, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo nhằm tạo hiệu quả thực chất.

Trong đó huy động tối đa các nguồn lực của nhà nước và xã hội; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương. Động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí vươn lên. Lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thông qua tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng.

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang, Hoàng Hải Lý cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, ngành tập trung thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị về chè, cam, bò, mật ong, vùng trồng dược liệu quý. Tập trung nguồn lực phát triển 5 cây (cây ăn quả ôn đới, chè shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, cây tam giác mạch) và 3 con (bò vàng, lợn đen, mật ong bạc hà)…

Nông dân huyện Mèo Vạc nuôi ong bạc hà cho thu nhập cao. Ảnh: Kim Tiến

Nông dân huyện Mèo Vạc nuôi ong bạc hà cho thu nhập cao. Ảnh: Kim Tiến

Để giảm nghèo thực sự bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của Hà Giang còn một số hạn chế, đó là: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất chưa hiệu quả, do đa số người nghèo còn thiếu kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, thiếu vốn và kinh nghiệm làm ăn.

Một số nơi giữ tập quán canh tác cũ, lạc hậu; các hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi nhỏ, lẻ, manh mún; sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi chưa tìm được đầu ra, chưa tạo được sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị nên hiệu quả thoát nghèo gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế bền vững cho người nghèo còn thấp.

Để thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm trên 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm.

Phấn đấu 2 huyện nghèo và 29 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020 (năm 2020 là 9,5 triệu đồng/năm).

Đảm bảo nguồn vốn cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Giang sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo.

Đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; có chính sách tôn vinh doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ