Giảm nghèo từ mô hình nuôi cá chép trong ruộng bậc thang ở Hà Giang

GD&TĐ -Nông dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã phát triển mô hình nuôi cá chép ruộng giúp giảm nghèo hiệu quả và tạo sản phẩm nông nghiệp mới lạ.

Những con cá chép được nuôi trong ruộng đến giai đoạn trưởng thành nặng từ 200 đến 300g.
Những con cá chép được nuôi trong ruộng đến giai đoạn trưởng thành nặng từ 200 đến 300g.

Mô hình “2 trong 1”

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao núi đất, nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang. Nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với phong cảnh núi non hùng vỹ và những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tới tận chân trời. Vào khoảng tháng 9, tháng 10 là mùa đẹp nhất trong năm khi lúa trên những thửa ruộng bậc thang chuyển màu vàng óng ả, đứng quan sát từ xa trông như một thảm lụa vàng với hương thơm ngọt ngào của lúa chín hòa quyện trong làn gió.

Nhưng phấn khởi nhất đối với bà con nơi đây trong vụ lúa là họ không chỉ được thu hoạch lúa mà còn thu được rất nhiều cá chép nuôi trong ruộng.

Nuôi cá chép trên những chân ruộng bậc thang đã có truyền thống lâu đời ở Hoàng Su Phì. Những năm gần đây, việc nuôi cá chép ruộng có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ nuôi đạt 200 kg/vụ; một số xã có sản lượng cá chép ruộng lớn như Tả Sử Choóng, Bản Luốc, Nậm Khòa, Nam Sơn, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Dịch…

Đến thăm mô hình nuôi cá chép xen lúa của gia đình anh Lù Văn Sinh, thôn Tả Sử Choóng, xã Tả Sử Choóng; vụ lúa năm nay, toàn bộ diện tích hơn 1 ha ruộng lúa của gia đình đều được ông tận dụng thả cá chép nhằm mục đích tăng thu nhập cho gia đình.

Anh Sinh cho biết, khoảng trung tuần tháng 6, khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ là thời điểm người dân tiến hành thả cá vào trong ruộng lúa.

Sau khi thả cá, các gia đình không phải nuôi mà chỉ cần tháo nước vào ruộng đảm bảo duy trì ở mức từ 5-10 cm để cây lúa và cá cùng sinh trưởng.

Đối với những ruộng lúa có thả cá thì không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu bệnh. Từ đó giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong canh tác lúa và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái…

Khoảng 3,5 - 4 tháng sau, tầm cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch, khi lúa bước vào giai đoạn chín và là thời điểm người dân rút nước ruộng để thuận lợi cho thu hoạch lúa và cũng là thời điểm thu hoạch cá.

Do đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng cũng như trải qua quá trình thuần hóa, chọn lọc tự nhiên nên chỉ có giống cá chép địa phương có thể nuôi được trên các thửa ruộng bậc thang, bởi chúng vừa chống chịu tốt với khí hậu khắc nghiệt, vừa không theo nước trôi đi khi mưa lũ.

Cá chép ruộng ở Hoàng Su Phì phát triển hoàn toàn tự nhiên, thức ăn của chúng là các loại sâu, bọ, sau đó là phấn của hoa lúa và những hạt lúa chín… vì vậy thịt cá rất thơm, ngọt, xương mềm.

Ngoài việc thu hoạch được hơn 6 tấn thóc, gia đình anh Sinh còn bán được hơn 1 tạ cá chép ruộng. Sau khi trừ chi phí mua giống, gia đình anh cũng thu được gần chục triệu đồng từ bán cá; nếu tính tổng thu nhập, chỉ riêng 4 tháng canh tác vụ lúa với hơn 1 ha ruộng có thể cho thu nhập gần 50 triệu đồng…

Nuôi cá chép trên ruộng bậc thang mô hình “2 trong 1”.

Nuôi cá chép trên ruộng bậc thang mô hình “2 trong 1”.

Giảm nghèo hiệu quả

Từ chỗ tạo nguồn thực phẩm cho các gia đình ở vùng cao, mô hình nuôi cá chép ruộng đã phát triển thành hàng hóa. Trong cùng một thời gian, người dân ở Hoàng Su Phì vừa được thu hoạch lúa vừa thu hoạch cá chép, mang lại hiệu quả kép.

Hoàng Su Phì là huyện miền núi, biên giới với tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 52,93%, cận nghèo 19,13%. Việc nuôi cá chép trên ruộng bậc thang không chỉ đem lại thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thóc, gạo sạch địa phương, bởi để cá chép có thể sinh trưởng và phát triển, cần hạn chế việc dùng các chất hóa học hoặc các chất gây hại khác trong quá trình canh tác.

Phát triển gạo chất lượng cao gắn với sản phẩm cá chép ruộng được Hoàng Su Phì xác định là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Huyện đang tập trung mở rộng mô hình trồng lúa nếp cái địa phương, lúa Già Dui gắn với nuôi cá chép ruộng ở các xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp như Bản Luốc, Ngàm Đăng Vài, Tả Sử Choóng, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài..

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Lý Chòi Nhàn cho biết: Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh qua từng năm. Trong giai đoạn 2015 – 2020, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện đạt 6,07%/năm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 3,07%; năm 2022 giảm 5%; ước năm 2023 giảm 7,3%. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt chỉ đạo và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ