Huyện vùng biên nỗ lực giảm nghèo

GD&TĐ - Vị Xuyên là huyện biên giới của tỉnh Hà Giang, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Người dân xã Cao Bồ sản xuất chè Shan tuyết nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyễn Phương
Người dân xã Cao Bồ sản xuất chè Shan tuyết nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyễn Phương

Bởi vậy, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân.

Linh hoạt các biện pháp hỗ trợ

Vị Xuyên là huyện biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, gồm 24 xã, thị trấn và được phân thành 2 vùng rõ rệt, đó là các xã, thị trấn thuộc vùng thấp và các xã vùng cao. Hiện, các xã vùng cao biên giới của Vị Xuyên thuộc các xã nghèo (xã vùng III) như Lao Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải…

Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, huyện Vị Xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG từ huyện đến cơ sở; xây dựng kế hoạch chi tiết, thường xuyên giao ban, báo cáo nắm bắt tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án ở cơ sở.

Tính đến hết tháng 6/2023, tổng kinh phí thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2022 là 1.761 triệu đồng, đã giải ngân đạt 88,76%, thực hiện 13 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với 133 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia. Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, đã thực hiện 5 mô hình với 43 hộ tham gia; các địa phương tổ chức 15 lớp tập huấn, 49 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm với hàng nghìn lượt người tham gia.

Là xã vùng III của huyện Vị Xuyên, Bạch Ngọc bắt tay thực hiện 3 chương trình MTQG với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với quyết tâm cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, xã từng bước cụ thể hóa các dự án, chương trình vào điều kiện thực tế; kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.

Đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, cách triển khai 3 chương trình MTQG đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn xây dựng các mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tổng số vốn 3 chương trình do xã làm chủ đầu tư là trên 6 tỷ đồng, hiện nay xã đã giải ngân được trên 3 tỷ đồng.

Ông Sùng Văn Tư, thôn Minh Thành, xã Bạch Ngọc chia sẻ: Gia đình tôi là hộ cận nghèo, được hỗ trợ trên 12 triệu đồng, tôi đầu tư mua 4 con lợn đen để phát triển chăn nuôi. Đây là giống lợn bản địa, dễ nuôi, sức đề kháng tốt, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Tôi sẽ tập trung chăm sóc, giúp đàn lợn phát triển tốt để vươn lên thoát nghèo.

Huyện Vị Xuyên hiện có 71 tổ hợp tác, 110 nhóm sở thích, 114 Hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ vận tải, thương mại, dịch vụ, thủy sản… Các mô hình kinh tế tập thể đang tạo việc làm cho gần 3.500 lao động, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên 80 triệu đồng/người/năm.

Cán bộ chuyên môn huyện Vị Xuyên bấm thẻ tai, trao bò thuộc 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia cho hộ nghèo xã Phú Linh. Ảnh: Biện Luân

Cán bộ chuyên môn huyện Vị Xuyên bấm thẻ tai, trao bò thuộc 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia cho hộ nghèo xã Phú Linh. Ảnh: Biện Luân

Chú trọng thoát nghèo bền vững

Nỗ lực giảm nghèo bền vững, huyện Vị Xuyên chú trọng đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi, huy động nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, toàn huyện Vị Xuyên đã giải quyết việc làm mới cho gần 10.000 lao động, vượt 31,7% mục tiêu nghị quyết; đào tạo dạy nghề được 45 lớp cho 1.226 học viên, số lao động qua đào tạo nghề có việc làm tại chỗ đạt 80%. Có 612 hộ nghèo được xây dựng nhà ở. Tổng kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2022 đạt 6.537 triệu đồng; triển khai 39 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ việc làm bền vững.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 45,11%, giảm 4,82%/năm, vượt mục tiêu nghị quyết. Dự kiến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện tiếp tục giảm 6,2%, đạt giảm 205% so với mục tiêu nghị quyết

Song song với huy động nguồn lực hỗ trợ người dân thoát nghèo, huyện Vị Xuyên luôn chú trọng công tác chống tái nghèo. Cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể huyện tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ các gia đình vừa thoát nghèo có thêm tiềm lực phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định. Đặc biệt, khơi dậy tinh thần chủ động vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo để tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ làm động lực thoát nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.