Giảm nghèo trên miền đá xám

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mèo Vạc có nhiều núi cao, dốc đứng, những con đường cheo leo, khúc khuỷu vắt ngang qua rừng đá tai mèo, nối dài vào các thôn bản xa xôi.

Chị Sùng Thị Chở thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Hà Linh
Chị Sùng Thị Chở thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Hà Linh

Miền đá xám- Mèo Vạc đang có nhiều đổi thay khi chương trình giảm nghèo thổi tới đồng bào nơi đây bằng những ngọn gió mát lành.

Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, thuộc vùng cao Nguyên đá. Huyện gồm 18 xã, thị trấn với 199 thôn, tổ dân phố, 17 dân tộc cùng chung sống, hơn 17.200 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm khoảng 60%. Địa phương còn gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện tự nhiên chủ yếu là núi đá, đất sản xuất ít, cây lương thực của người dân vẫn là cây ngô, chăn nuôi chưa phát triển, thường xuyên thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên số một, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc đã, đang xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể với các giải pháp, cách thức triển khai đồng, hỗ trợ người dân tăng gia sản xuất, đầu tư mở rộng kinh doanh, đảm bảo có nguồn thu nhập khá, tạo chuyển biến tích cực trên con đường giảm nghèo nhanh, bền vững.

Do xuất phát điểm là một huyện nghèo, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún… là những trở ngại lớn trong quá trình giảm nghèo bền vững đối với huyện Mèo Vạc. Từ thực tiễn đó, huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân thực hiện các mục tiêu và chương trình giảm nghèo bền vững.

Cũng như bao người phụ nữ làm nông khác, khi mới lập gia đình vợ chồng chị Sùng Thị Chở, thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc cũng không có việc gì ngoài làm mấy mảnh nương, nuôi mấy con gà, con lợn để duy trì cuộc sống.

Không cam chịu đói nghèo, qua những kinh nghiệm thực tế và học hỏi nhiều nơi, chị Chở đã bàn với chồng quyết định đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo. Gia đình chị trung bình nuôi từ 7 – 10 con, trong đó, có 4 con là bò sinh sản, ngoài ra là bò vỗ béo.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình chị trồng hơn 2 ha cỏ; trồng các loại rau màu và nấu rượu bán để có thêm phụ phẩm bỗng rượu làm thức ăn cho đàn bò. Chị cũng trồng các loại rau màu theo mùa vụ để đem ra thị trường bán.

Từ nguồn chăn nuôi bò cũng như trồng rau màu, nấu rượu bình quân mỗi năm gia đình chị thu về trên 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện gia đình chị đã xây dựng được căn nhà khang trang và mua sắm đầy đủ tiện nghi cho gia đình.

Các chương trình về hỗ trợ giảm nghèo giúp tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Hà Linh

Các chương trình về hỗ trợ giảm nghèo giúp tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Hà Linh

Lồng ghép các nguồn lực

Là huyện vùng cao biên giới, nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước; để người dân giảm nghèo bền vững huyện Mèo Vạc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổng số vốn huyện được phân bổ trên 193 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển gần 120 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp hơn 74 tỷ đồng.

Đặc biệt, một trong những giải pháp giúp hộ nghèo hiệu quả, thiết thực mà huyện Mèo Vạc ưu tiên triển khai thực hiện là xóa nhà tạm, nhà dột nát từ các nguồn lực. Từ đầu năm đến nay, huyện Mèo Vạc đã triển khai xây dựng được 515 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Tính đến ngày 25/10, toàn huyện đã có 386 nhà hoàn thành xây dựng.

Cùng với hỗ trợ xóa nhà dột nát, huyện Mèo Vạc cũng triển khai nhiều chương trình về vốn vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo và đào tạo nghề, tạo việc làm để người dân nâng cao thu nhập. Cụ thể, chính quyền các cấp đã thực hiện 22 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 275 hộ gia đình được thụ hưởng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo với 8 mô hình và 125 gia đình thụ hưởng. Thực hiện đào tạo nghề cho 650 người.

Là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch, những năm qua, huyện đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng huyện Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh. Trong trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến huyện đạt trên 370.000 lượt, trong đó khách nước ngoài trên 31.500 người. Doanh thu từ du lịch ước đạt 296 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình tại Mèo Vạc làm du lịch cho thu nhập cao, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Thời gian tới huyện tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ