Những cách làm thiết thực, hiệu quả
Ngành giáo dục Tuyên Quang đã đưa tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT biên soạn vào tuyên truyền cho học sinh. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng tích hợp lồng ghép giảng dạy một số câu chuyện gần gũi kể về Hồ Chí Minh và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân...
Nhiều giáo viên đã chú trọng thực hiện tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo các phương pháp dạy học tích cực, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia.
Các nhà trường còn tổ chức lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa như: chào cờ đầu tuần (đọc những câu chuyện, bài thơ, kể chuyện về Bác); sinh hoạt lớp; hoạt động Đoàn, Đội; tổ chức các cuộc thi viết, thi kể chuyện về Bác Hồ…
Tại trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang), căn cứ đặc điểm của từng nhóm học sinh, các tổ chức trong nhà trường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, định hướng thông qua nhiều hình thức như: cuộc thi sân khấu hóa, sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt theo chuyên đề, sinh hoạt truyền thống, mời diễn giả nói chuyện…
“Nhà trường luôn xác định công tác vận động, giáo dục học sinh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn kỷ cương, nền nếp của đơn vị, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Quá trình thực hiện đã có những kết quả tích cực; các em học sinh xác định được động cơ học tập, thực hiện tốt nội quy, quy định của bậc học, biết chia sẻ, yêu thương giúp đỡ bạn bè cũng như các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, cô giáo Trịnh Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.
Đối với trường THCS Tân Trào (huyện Sơn Dương), đơn vị luôn gắn liền cuộc vận động vào các phong trào thi đua, các hoạt động giáo dục. Liên đội thường xuyên tổ chức cho học sinh chăm sóc di tích lịch sử Ban tuyên huấn Trung ương tại thôn Thia; giúp đỡ gia đình thương binh, người có công cách mạng tại địa phương; giúp đỡ bạn nghèo có hoàn cảnh khó khăn… Qua những hoạt đọng ý nghĩa đó, các cá nhân, tập thể đạt thành tích cao được tuyên dương khen thưởng.
Lan tỏa qua những tấm gương
Việc triển khai tích cực, hiệu quả tại các nhà trường đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, thúc đẩy động cơ phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cho các em học sinh trên quê hương Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng. Nhiều tấm gương điển hình trong học sinh đã được phát hiện, tuyên dương để qua đó nhân rộng những câu chuyện đẹp cho thế hệ trẻ.
Em Đỗ Trần Diễm Mai, học sinh lớp 11A, Trường Phổ thông Tuyên Quang là một học sinh giỏi toàn diện, một trong những đoàn viên tiêu biểu của Đoàn trường, tấm gương được nhiều bạn bè khâm phục, yêu quý. Mai luôn có lối sống giản dị, gần gũi, trung thực, khiêm tốn, trách nhiệm, năng động, tích cực tham gia các phong trào hoạt động do lớp và nhà trường phát động.
Với tinh thần say mê, luôn nỗ lực, phát huy tính tự học, sáng tạo, Mai cố gắng tìm tòi mở rộng đào sâu, tích cực phát hiện và ứng dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn xung quanh. Em đã đạt giải Ba Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2018 - 2019; giải B cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo năm 2020”; giải Ba Cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông giới thiệu về trường Phổ Thông Tuyên Quang 2021; giải Ba cuộc thi Olympic Tiếng Anh Tài năng cấp tỉnh năm 2021…
Em Hoàng Ngọc Anh, học sinh lớp 12 Sinh, trường THPT Chuyên Tuyên Quang cũng là một tấm gương điển hình với nhiều kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Em luôn chịu khó ghi chép lại một cách khoa học những bài giảng của thầy cô. Ngoài kiến thức được tiếp nhận từ thầy cô, sách vở, em chịu khó đọc sách tham khảo, các tài liệu, xem tin tức thời sự, học từ bạn bè, những người xung quanh để hoàn thiện bản thân.
Suốt 12 năm học liên tiếp, Hoàng Ngọc Anh đạt danh hiệu Học sinh Giỏi và kết quả tu dưỡng rèn luyện luôn đạt hạnh kiểm Tốt. Riêng năm học 2020 - 2021, em đạt giải Nhì cấp tỉnh, giải Ba cấp quốc gia trong kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh học.
“Em thấy rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giúp mình có động lực để thôi thúc bản thân phát huy khả năng thế mạnh cá nhân, dám sáng tạo, vượt khó vươn lên để đạt được những điều mà mình mong muốn” - em Hoàng Ngọc Anh chia sẻ.
Để lan tỏa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh, ngành GD&ĐT Tuyên Quang xác định cần tiếp tục phát hiện kịp thời, biểu dương, nhân rộng những điển hình, cách làm hay, sáng tạo để tạo sức lan tỏa sâu rộng…
Thực hiện Quyết định số 1501-QĐ/TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành TW, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức và pháp luật, giáo dục lối sống văn hóa cho thanh niên, HSSV qua các hoạt động đa dạng, thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và điều kiện thực tiễn tại cơ sở.
Các hoạt động hội thảo, diễn đàn, cuộc thi, ngày hội, lễ tuyên dương, khen thưởng... đã góp phần bồi đắp, định hướng thế hệ trẻ nhận thức và hành động theo những giá trị chuẩn mực, hướng đến tiêu chí “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”.
Công tác phát triển, nhân rộng các phong trào có giá trị thực tiễn cao, tuyên dương, khen thưởng từ cơ sở được chú trọng. Trong 5 năm qua, Bộ GD&ĐT đã tặng và truy tặng bằng khen cho 39 HS có hành động dũng cảm và tấm gương người tốt, việc tốt.