Với những nỗ lực vượt bậc, trong những năm qua, Tuyên Quang luôn đạt tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trên 99%; giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ kiên cố hóa phòng lớp học và trường chuẩn quốc gia tăng lên; đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học từng bước được đầu tư, trang cấp.
Đặc biệt, tháng 12/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Nghị quyết chuyên đề số 73-NQ/TU về huy động trẻ đi nhà trẻ, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ của tỉnh tăng nhanh. Từ một tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ thấp hơn bình quân của khu vực và cả nước, đến nay tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ của tỉnh đạt 36,5%, cao hơn bình quân của cả nước.
Trong bối cảnh toàn ngành thực hiện tinh giản biên chế, phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 50% đến năm 2025, ngành giáo dục của tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập để vừa đạt mục tiêu đề ra, vừa giảm áp lực về biên chế và đầu tư công cho khối công lập.
Xác định đây là giải pháp quan trọng trong việc tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn, Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã quy định 3 chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gồm: Kinh phí hỗ trợ xây dựng phòng học; hỗ trợ mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu; hỗ trợ trinh phí chi trả một phần lương cho giáo viên.
Đây là Nghị quyết có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với công tác phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân.
Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu huy động trẻ ngoài công lập cho các huyện, thành phố; chỉ đạo các đơn vị thực hiện phân luồng trẻ mầm non công lập để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập phát triển, mở rộng quy mô; ưu tiên tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trước; chỉ ưu tiên bố trí giáo viên dạy nhà trẻ công lập ở các địa bàn đặc biệt khó khăn và khó khăn để tạo điều kiện xã hội hóa ở những nơi có điều kiện.
Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng chỉ đạo các trường mầm non chủ động hỗ trợ các cơ sở tư thục về công tác tuyển sinh, quản lý ăn bán trú và thực hiện các nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của Chương trình giáo dục mầm non.
Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục cũng được tạo điều kiện hỗ trợ tối đa trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập; hưởng các ưu đãi về đất đai, thuế và tín dụng theo quy định của Chính phủ. 100% cơ sở được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, đảm bảo tuyệt đối an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ.
Trong 2 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã thành lập mới trên 20 nhóm trẻ tư thục, đưa tổng số cơ sở tư thục lên 45 cơ sở, trong đó có 4 trường mầm non; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ngoài công lập đạt 9,2%, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết hỗ trợ của HĐND tỉnh. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục từng bước được nâng cao, tạo được niềm tin trong nhân dân và cha mẹ trẻ.
Với chủ trương, chính sách khuyến khích mạnh mẽ của địa phương, giáo dục mầm non ngoài công lập đã khẳng định được vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong tương lai.