Thạc sĩ về quê khởi nghiệp
Quê Bác tháng 5, đi đến ngả đường nào cũng có thể gặp ao sen bung nở, hương thơm ngan ngát. Điều đặc biệt, người góp phần phát triển, nhân rộng những ao sen ấy là một thanh niên 8X – Phạm Kim Tiến.
Sinh ra và lớn lên ở Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), Phạm Kim Tiến luôn tự hào với hình ảnh sen quê Bác. Nhưng như nhiều bạn trẻ khác, Tiến rời quê vào đại học với mong muốn lập thân, lập nghiệp. Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Tiến tiếp tục học lên thạc sĩ rồi làm nhiều công việc khác nhau. Đủ “trải nghiệm”, thanh niên trẻ quyết định quay về quê khởi nghiệp bằng chính đất đai, ao hồ quê hương, và cây sen quen thuộc từ thủa bé.
“Cách đây 3 năm vào dịp Tết, được biết lãnh đạo tỉnh có chủ trương “kêu gọi” người trẻ về quê khởi nghiệp và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp nên tôi rời Hà Nội. Hơn nữa, với cây sen, lâu nay chủ yếu giữ cảnh quan quê Bác, chứ người dân lại chưa khai thác được giá trị kinh tế ”, anh Tiến nói.
Với vốn kiến thức được học và thực tế lăn lộn ở thủ đô, Tiến bắt tay vào khởi nghiệp từ ươm giống sen. Sen truyền thống quê Bác ít cánh, thơm, màu hồng tươi, nhưng lại nhanh tàn. Tiến đem gieo 52 giống sen khác nhau trên vùng ruộng thấp trũng mà dân trong làng bỏ hoang để thử nghiệm.
Cây sen bén rễ, mọc tốt ở ruộng, thạc sĩ trẻ tuổi cùng với thành viên Hợp tác xã (HTX) Sen quê Bác nghiên cứu sản xuất những chế phẩm từ sen như: Hạt sen, chè sen, củ sen muối, kim chi sen, hương thắp từ sen... Năm 2018, HTX Sen quê Bác ra đời với 7 thành viên, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen, chế biến các sản phẩm từ sen. Trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP của huyện Nam Đàn. 2 sản phẩm đang hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà ướp bông sen.
Nói về quá trình khởi nghiệp, Tiến tâm sự đã bỏ lại rất nhiều khi rời Hà Nội quay trở về quê hương. Nhưng anh không cho đó là thất bại, mà là những bài học quý giá để xây dựng HTX Sen quê Bác chắc chắn, hiệu quả hơn. “Đến thời điểm này, tôi vẫn phải học hỏi, nghiên cứu rất nhiều chứ không thể giẫm chân tại chỗ. Đó chính là việc học tập suốt đời, mà bất cứ người con trên quê hương Bác Hồ cũng được thấm nhuần”, anh chia sẻ.
Ngoài phát triển kinh tế, Tiến cùng cộng sự của HTX Sen quê Bác ký cam kết bảo trì, đón khách, khai thác công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” hiệu quả. Đây là công trình gồm 4 hồ sen, 2 nhà dừng nghỉ, đường hoa, hàng rào, điện chiếu sáng và hai bia đá, cùng hệ thống tiểu cảnh, hàng rào bao quanh... Mong muốn của anh là góp sức mình vào giữ gìn cảnh quan Nam Đàn, kết hợp giữa tham quan di tích lịch sử với du lịch sinh thái cho du khách về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuổi nào cũng học được ở Bác
Anh Nguyễn Sinh Chung (SN 1970) là 1 trong 4 người đầu tiên xung phong tham gia vào tổ liên gia thí điểm mô hình homestay quê Bác (làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Dù là mô hình mới mẻ, nhưng anh Chung cho hay: Tôi được UBND huyện tập huấn nên cơ bản hình dung được hình thức tổ chức dịch vụ lưu trú này. Khu vườn của gia đình trước đó được công nhận là vườn mẫu, nên là lợi thế để tôi mở homestay, thu hút du khách.
Anh Nguyễn Sinh Chung hiện là cán bộ Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên – Nam Đàn. Vì vậy, bản thân luôn có ý thức, trách nhiệm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Bác đến người dân mọi miền Tổ quốc và du khách nước ngoài. Theo anh Chung, từ khi mở homestay (năm 2019) đến nay, do điều kiện khách quan, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng du khách về quê Bác giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, vào thời điểm dịch bệnh được khống chế, quê Bác vẫn đón các đoàn khách về tham quan. Nhu cầu khách lưu trú khá cao. Vì vậy, anh đã đề xuất địa phương cho mở rộng thêm dịch vụ phụ trợ. Ngoài ra, anh và các hộ gia đình làm homestay khác cũng đăng ký lớp học ngoại ngữ cộng đồng được tổ chức tại Kim Liên.
Ông Vương Hồng Minh cũng tham gia mở homestay và xây dựng khu vườn kiểu mẫu. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, là cựu chiến binh, nhưng ông không có khái niệm nghỉ ngơi, mà vẫn miệt mài chăm sóc nhà cửa, đọc sách, sưu tầm tài liệu, tham gia hoạt động thôn xóm. Ông từng chép lại toàn bộ bản Di chúc của Bác Hồ, để ghi nhớ những lời bác căn dặn, coi đó là kim chỉ nam trong cuộc sống, chiến đấu chống giặc và khi trở về cuộc sống thường ngày.
Ông Vương Hồng Minh là người đặc biệt ở làng Sen, khi tự sưu tầm tư liệu về Bác và tập hợp thành 3 cuốn “Tìm hiểu học tập”, “Những dòng kỷ niệm” và “Nỗi nhớ lòng thương”… Ông Minh nói: Đây chỉ là những ghi chép cá nhân nhưng có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi, để nhớ tình cảm thiêng liêng mà Bác dành cho quê hương đất nước. Để “nghĩ về Bác lòng tôi trong sáng hơn”, và học Bác từ việc làm hàng ngày. Với tâm niệm đó, mọi hoạt động trong địa phương như mở rộng đường, xây dựng nông thôn mới, ông đều tham gia tích cực. Đồng thời tuyên truyền cho người dân cùng hiểu, đồng hành với chính quyền.