Ông Nguyễn Hoàng Bắc (55 tuổi) là một trong 40 cựu chiến binh của tỉnh Bạc Liêu về thăm quê Bác nhân dịp 127 năm sinh nhật Người. Chốn đơn sơ này bao nhiêu năm vẫn thế, chẳng có gì ngoài hình ảnh quê mùa, mộc mạc của nhà tranh, vách nứa, vườn cây… Nhưng chính vì thế mà nó trở thành như quê hương, như ân tình để người dân khắp dải đất hình chữ S này, mỗi khi trở về đều thấy thân thuộc, nghĩ đến Bác mà lòng “trong sáng hơn”, nhẹ nhõm hơn.
Đoàn khách lặng im, nghẹn ngào xúc động khi nghe cô thuyết minh kể lại về cuộc đời Bác, về nỗi day dứt khôn nguôi của vị lãnh tụ khi bận việc nước mà đành lỡ việc nhà... Chỉ có 2 lần về thăm quê thì người thân đã không còn nữa, đón Bác là mái nhà tranh xưa, là bà con xóm giềng, là những người dân quê thật thà, nồng hậu.
“Mình nghe thấy rưng rưng, thấy xúc động lắm. Hồi nào tới giờ nhìn trên ti vi nhiều, đọc báo nhiều nhưng giờ tận mắt nhìn thấy cảnh, thấy nhà… mới là thật, mới tin”, ông Nguyễn Hoàng Bắc nói. Từ miền tây nam bộ xa xôi, vượt hàng nghìn km, suốt 9 ngày đường, các cựu chiến binh của tỉnh Bạc Liêu mới đến được làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Nhưng ai cũng thấy mừng vui, “coi như thỏa ước nguyện một lần trong đời, sau này biết bao giờ mới quay ra đây lần nữa…”
Tháng 5 nào cũng thế, quê Bác đón nhiều đoàn khách về thăm. Xúc động nhất vẫn là những cụ già, những cựu chiến binh, những người đã từng trải qua tháng năm đất nước còn gian khổ, và cuộc chiến chống giặc ngoại xâm ác liệt còn để lại bao dư âm trên vết thương cũ. Trên ngực áo họ, lấp lánh những tấm huân, huy chương, đi báo công với Bác.
“Thuở ấy, chúng tôi mấy ai được gặp Bác Hồ, chỉ nghe tiếng Bác trên loa phát thanh thôi. Ra đi chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc cũng là đi theo lời gọi của Bác. Những điều Bác dạy, lời dặn dò của Bác theo suốt cuộc đời người lính chúng tôi. Chỉ nghe bà con gọi Bộ đội cụ Hồ, là thấy thiêng liêng lắm, phải làm sao cho xứng đáng với danh hiệu đó.
Ông Kiệm bây giờ cũng đang là thương bình ¼, khoảng thời gian chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên năm xưa đã lấy đi của ông mất chân phải. Với chiếc nạng gỗ, ông vẫn đi thoăn thoắt, qua hàng rào dâm bụt, thăm ao sen, giếng Cốc… đến Khu lưu niệm Hồ Chí Minh: “Cách đây 20 năm tôi về quê Bác một lần rồi, giờ quay lại thấy đổi khác nhiều quá. Quê nội, quê ngoại Bác thì vẫn nguyên, nhưng cái Khu lưu niệm giờ mới có. Nhưng cũng phải như thế chứ, có thêm tư liệu, tranh ảnh, sách báo về Bác và quê hương Bác, vậy là tốt và đáng mừng”!
Được biết, ông Kiệm cùng đoàn cựu chiến binh là lính giải phóng đã đi vào Quảng Bình trước rồi mới quay trở ra Hà Tĩnh thăm ngã ba Đồng Lộc, điểm dừng chân sau cùng là nhà Bác. Chuyến hành trinh đi lại chính con đường ngày xưa người lính đã từng đi, dấu chân cũ không còn, thay vào đó là cảnh khắp giang sơn, đất nước từng ngày phát triển sau khi hòa bình lập lại. Vậy là công sức, xương máu cha ông ngày trước đổ xuống đã có ý nghĩa.
Quê Bác tháng 5, còn có rất nhiều các em nhỏ được bố mẹ đưa theo cùng, nhiều đoàn học sinh được nhà trường tổ chức cho đi tham quan như một phần thưởng cuối năm học, đồng thời là cách để giáo dục truyền thống, uống nước nhớ nguồn.
Cháu Minh Phương (học sinh lớp 6, trường THCS Minh Tân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã rất nhiều lần được đến Nam Đàn quê Bác. “Nhưng lần nào cháu cũng thích đi cả. Hôm nay, cháu đi cùng bố và còn dẫn theo em họ của cháu là Bảo Ngọc đi nữa. Em Ngọc mới 5 tuổi thôi, nhà ở trong miền Nam hè này về quê chơi, nên cháu nói cho em ấy biết đây là nhà của Bác Hồ, Bác là người ra đi tìm đường cứu nước”…
Các cháu cũng hòa vào đoàn người, tay ôm bó hoa sen, đi giữa không gian bát ngát hương thơm của hoa dẻ, hoa đại, hoa cau… trong vườn Bác. Những bài học, giá trị văn hóa lịch sử, về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách tự nhiên và giản dị thấm dần vào tâm hồn, suy nghĩ những đứa trẻ đang lớn.
Thời gian qua đi, đã 127 năm kể từ ngày “có người mẹ đã sinh ra đời người con quang vinh”, có Người đã trở thành xưa, có ngôi nhà đã thành di tích. Nhưng cũng có hàng nghìn, hàng vạn người dân, theo dấu chân Bác trở về làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha, như trở về quê chung. Thắp nén tâm nhang, đứng lặng trước mái tranh lặng im, ai ai cũng bình đẳng như nhau, đều là cháu Bác Hồ, để tri ân một tấm lòng, một nhân cách lớn, để nhìn lại mình sao cho xứng đáng với quê hương.