Đọc và học sách của thư viện trở thành niềm vui, hình thành văn hóa đọc, ý thức trân trọng, giữ gìn sách của người dân quê hương Bác.
Chốn đi về quen thuộc
Ngày đầu tháng 5, nắng chói chang nhưng bác Hoàng Tứ vẫn chạy xe từ nhà ở xã Hùng Tiến đến Thư viện Làng Sen đọc sách. Hơn 1 tháng qua, thư viện tạm đóng cửa phòng dịch Covid-19, bác cũng hạn chế ra khỏi nhà. “Nghe tin thư viện mở cửa lại, tôi liền sang để trả sách và tìm mượn cuốn mới. Bao nhiêu năm đến thư viện quen rồi, nghỉ một thời gian thấy thiếu vắng, bồn chồn”, bạn đọc lâu năm của Thư viện Làng Sen nói.
Không riêng bác Tứ, nhiều người dân trong, ngoài xã Kim Liên đã coi Thư viện Làng Sen thành chốn đi về quen thuộc. Tại đây, toàn bộ 3 gian nhà chứa đầy sách được sắp xếp gọn gàng, cẩn thận, phân chia theo từng chủ đề, lĩnh vực như: Sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm văn học, truyện tranh, truyện lịch sử, sách khoa học thường thức, nông nghiệp… Vì vậy, thư viện phù hợp với nhiều độc giả ở mọi lứa tuổi, ngành nghề. Thư viện cũng có nhiều bộ sách quý, đầy đủ để phục vụ bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu sâu.
Năm 2007, với mong muốn con cháu trong dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Đường, nhân dân địa phương có chỗ để đọc sách, nâng cao dân trí, ông Nguyễn Sinh Hùng - là con cháu của dòng họ Nguyễn Sinh, lúc đó đang là Chủ tịch Quốc hội đã đứng ra kêu gọi xây dựng Thư viện Làng Sen. Thư viện nằm cạnh Khu di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Sinh Nhậm (ông nội Chủ tịch Hồ Chí Minh), được xây hai tầng, diện tích hơn 300m2 và được bao bọc bởi cây cối xanh mát. Ấn tượng đầu tiên về Thư viện Làng Sen là phía trước có treo câu nói của V.I. Lênin “Không có sách, không có tri thức, không có tri thức không có chủ nghĩa Cộng sản”.
Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, con cháu trong dòng họ Nguyễn Sinh đã quyên góp tiền để xây dựng Thư viện Làng Sen. Không chỉ phục vụ học sinh, người dân trong huyện, Thư viện Làng Sen còn đón nhiều đoàn khách du lịch ghé tham quan, đọc sách, trò chuyện. “Nhiều đoàn khách nghe nói có thư viện mở cửa miễn phí nên tìm vào. Ở đây mát mẻ, trong lành, họ được nghỉ chân, đọc sách, hoặc trò chuyện với chính bà con, học sinh quê Bác nên rất vui… Có đoàn khách sau đó đã ủng hộ Thư viện Làng Sen để có thêm kinh phí mua bổ sung đầu sách phục vụ nhân dân”, chị Nguyễn Thị Phương Lan, cán bộ phụ trách thư viện cho biết.
Đồng hành với học sinh
“Ngoài số sách hiện có, phần lớn sách giáo khoa được phân phát cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 mượn đi học. Đến hết năm học, các cháu đến trả và đăng ký mượn bộ mới”, chị Nguyễn Thị Phương Lan, phụ trách Thư viện Làng Sen cho hay. Việc mua và cho học sinh mượn sách giáo khoa xuất phát từ mong muốn không để em nào rơi vào cảnh thiếu thốn sách vở đến trường. Cách đây 13 năm, khi thư viện mới thành lập, nhiều hộ dân trong làng còn khó khăn, vất vả, để mua đủ bộ sách mới cho các con đi học tốn một khoản tiền không nhỏ. Vì vậy, khi thư viện đưa sách về, bà con và các em học sinh vui mừng phấn khởi. Từ đó đến nay, mỗi năm thư viện cấp khoảng 500 bộ sách giáo khoa với hơn 17.000 cuốn cho học sinh làng Sen và các em khó khăn khác trong xã.
Cán bộ phụ trách thư viện cũng chia sẻ, để duy trì hoạt động cho mượn sách không đơn giản. Ngoài nắm số lượng học sinh, các môn học, còn phải biết chương trình nhà trường và những thay đổi của ngành Giáo dục. Ví dụ Trường Tiểu học Làng Sen trước đây thí điểm Mô hình Trường học mới, được hỗ trợ sách vở, đồ dùng, thiết bị dạy học. Khi kết thúc thí điểm, trường vẫn tiếp tục dạy học theo tài liệu của mô hình này dù không được hỗ trợ nữa nên cả thầy và trò đều cần sách. Trong khi sách cũ mất mát, hư hỏng theo thời gian, gia đình học sinh khó để tìm mua sách mới. Thư viện cũng phải liên hệ với nhà xuất bản để kịp mua đúng loại sách giáo khoa về bổ sung cho học sinh.
Em Võ Hoàng Thùy Linh, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Làng Sen thường xuyên đem sách vở lên thư viện ngồi học cùng bạn. “Em được thư viện cho mượn sách giáo khoa về học nên phải giữ cẩn thận, không làm mất hoặc viết, vẽ lên sách để các bạn sau còn được học. Em thích lên thư viện, sau khi làm bài tập xong, có thể đọc truyện tranh, trao đổi với bạn”, Thùy Linh nói.
Hàng năm, khi kết thúc năm học, học sinh mang sách đến trả thư viện. Cán bộ tại đây sẽ thu nhận, kiểm tra, thống kê số sách bị mất, hư hỏng, cũ rách… Sau đó lập danh sách bổ sung cho năm học mới. Chi phí bổ sung sách giáo khoa của thư viện từ 20 - 30 triệu đồng/năm. Năm nay, công việc này dự kiến khó khăn, vất vả hơn do thời điểm kết thúc năm học muộn. Ngoài ra, khối lớp 1 bắt đầu học sách giáo khoa mới. “Thời gian chuyển giao ngắn, gấp rút nên tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn để các em có bộ sách đón năm học mới như mọi năm”, chị Nguyễn Thị Phương Lan chia sẻ.
Ông Vương Bá Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên, huyện Nam Đàn cho biết: “Thư viện Làng Sen đã góp phần tạo nên phong trào đọc sách, nâng cao hiểu biết của người dân địa phương, phát huy truyền thống ham học, ham đọc của người dân quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ tích cực kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm ủng hộ, bổ sung thêm nhiều đầu sách cho thư viện. Qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc, tìm hiểu kiến thức của mọi tầng lớp người dân”.
Thư viện Làng Sen có trên 30.000 cuốn sách với trên 10 danh mục sách khác nhau ở nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều nhất vẫn là các sách viết về Bác Hồ. Nhiều loại sách quý mà chỉ riêng Thư viện Làng Sen mới có nên không chỉ nhân dân trong làng mà bạn đọc ở các huyện khác cũng tìm đến thư viện. Thư viện Làng Sen mở cửa từ thứ 3 đến thứ 7 hàng tuần, phục vụ thường xuyên cho 2.000 bạn đọc ở mọi lứa tuổi là người dân địa phương và các vùng phụ cận. Không chỉ phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện Làng Sen còn cho các em học sinh, sinh viên, cán bộ hưu trí… mượn sách về nhà.