Phút lắng lòng trên quê Bác tháng Năm

GD&TĐ - Những ngày tháng Năm, từng đoàn người xuôi ngược trong Nam, ngoài Bắc về thăm quê Bác tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Về nơi sinh ra vị cha già dân tộc, về với mái nhà tranh đi qua năm tháng thăng trầm lịch sử, như trở về một chốn quê chung nặng nghĩa tình.

Các em HS Trường Tiểu học Cẩm Dương  (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) về thăm quê Bác
Các em HS Trường Tiểu học Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) về thăm quê Bác

Về quê Bác lần nào cũng xúc động

Một cựu binh, ngực đeo huân chương đỏ, tay chống gậy, đứng hơi tách ra khỏi đoàn của mình, đưa mắt nhìn chăm chú khắp khuôn viên nhà Bác. Ông là Đỗ Xuân Mạnh, từ thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, về thăm quê Chủ tịch Hồ Chí Minh lần này là lần thứ 2. Lần đầu tiên đã cách đây đúng tròn 30 năm. Một khoảng thời gian đủ dài, đủ lâu, với bao thay đổi của thời cuộc, và với chính bản thân mình.

Để khi quay lại, ông bồi hồi giữa bao cảm xúc mới và ký ức cũ: Quê Bác thay đổi nhiều quá! Hai gian nhà tranh ở làng Sen, làng Hoàng Trù được giữ gìn nguyên vẹn như năm xưa ông từng đến. Nhưng xung quanh đã khác rất nhiều. Đường sá, nhà cửa đẹp hơn, đời sống người dân quê Bác cũng từng ngày phát triển. Khu di tích Kim Liên được xây dựng với quần thể nhà thờ, khu trưng bày các hình ảnh, kỷ vật về Bác... Bên cạnh nhà Bác, còn có những gian nhà tranh khác của các gia đình hàng xóm được tôn tạo lại... Tất cả đều mới mẻ đối với ông, đối với những đơn sơ, giản dị của 30 năm về trước.

“Nhân dân và chính quyền địa phương nơi đây đã đùm bọc, cùng nhau giữ gìn, tôn tạo, kiến thiết quê hương Bác, tôi thấy rất mừng”, ông Đỗ Xuân Mạnh xúc động.

Từ huyện miền núi cao Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa), Đoàn Hội phụ nữ xã Thanh Tân gồm hơn 40 người cũng về thăm và báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày tháng Năm này. Bà Lương Thị Oanh (dân tộc Thái), năm nay đã 60 tuổi, lần đầu tiên được về thăm quê Bác. Bà vui lắm: “Trước giờ, chỉ mới được thấy trên tivi, trên ảnh thôi, bây giờ mới được đến tận nơi, nhìn thấy quê Bác thật”.

Lắng nghe cô thuyết minh kể về cuộc đời Bác, tuổi thơ vất vả nghèo khó, lớn lên ra đi tìm đường cứu nước biền biệt, chỉ có hai lần Bác về thăm quê thì người thân không còn nữa, bà nhủ: “Thương Bác quá”!

Với bà Oanh và các bà mẹ người Thái khác, Bác Hồ là người giản dị, có tình yêu thương bao la với nhân dân, với đồng bào dân tộc thiểu số. “Sau khi về, tôi sẽ nhắc nhở con cháu phải ghi nhớ lời Bác dạy, học tập tốt để trở thành người có ích, góp sức xây dựng đất nước” – bà Oanh nói.

Giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng lịch sử

Chăm chú lắng nghe nhân viên thuyết minh kể chuyện về gia đình Bác
Chăm chú lắng nghe nhân viên thuyết minh kể chuyện về gia đình Bác 

Hằng năm, Lữ đoàn pháo binh 16, Quân khu IV (đóng tại xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đều tổ chức cho các tân binh đi dâng hương quê Bác. Đây là một hoạt động nhằm bồi đắp, giáo dục tư tưởng chính trị cho các chiến sĩ.

Với tân binh Nguyễn Văn Quang (quê ở Thừa Thiên - Huế), dịp về thăm quê Bác này để lại nhiều ấn tượng đặc biệt: “Trên đường đi, mọi người nhìn vào em và các đồng đội khác đang mặc quân phục, khiến em cảm giác mình trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn. Em sẽ cố gắng rèn luyện trong thời gian quân ngũ, hoàn thành các nhiệm vụ được giao để xứng đáng là lính Cụ Hồ”.

Tháng Năm, cũng là dịp kết thúc một năm học, nhiều trường học đưa học sinh đi báo công với Bác ngay tại quê hương Người. Đoàn học sinh Trường Tiểu học Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có hơn 70 em là học sinh khối 4, 5. Cô Nguyễn Thúy Nga, giáo viên của trường cho biết: “Nhà trường cố gắng tạo điều kiện đưa các em đi, vừa là phần thưởng sau một năm nỗ lực học tập, nhưng cũng để giáo dục truyền thống, lịch sử cho các em. Sau khi thăm quê Bác, nhà trường sẽ cho các cháu về nhà thờ cụ Nguyễn Công Trứ, và kết thúc là dâng hương tại ngã ba Đồng Lộc”.

Đây cũng là năm đầu tiên trường tổ chức một cuộc đi tham quan, dã ngoại xa với quy mô nhiều học sinh như thế, vì học sinh đang nhỏ, công tác quản lý phải sát sao để đảm bảo an toàn cho các em. “Nhưng khi lên đường, các em cũng ý thức được, dù hiếu động nhưng biết nghe lời hướng dẫn của các thầy cô giáo. Khi vào dâng hương, dâng hoa báo công với Bác, các em tự động biết chỉnh đốn trang phục, trang nghiêm, xúc động”, cô Nga chia sẻ.

Với những đứa trẻ, từ những chuyến đi như thế này, các em đã học được nhiều điều, từ các câu chuyện nghe kể, từ những hình ảnh, tư liệu lịch sử quan sát được… Dần dần, hình thành trong các em nhận thức biết trân trọng quá khứ, biết giá trị của hòa bình hôm nay.

Năm nào cũng vậy, tháng Năm như một thời khắc đặc biệt, để một lần nữa nhắc nhớ ngày “từ làng Sen sinh ra một người con chí lớn”. Mỗi người dân về với quê Bác, là một câu chuyện khác nhau, mang trong mình suy nghĩ, cảm xúc riêng. Nhưng tất thảy, đều có chung một niềm kính yêu, ghi nhớ những hi sinh của Bác dành cho dân tộc, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ