Tư vấn tuyển sinh: Học sinh được tiếp cận với nhiều kênh thông tin

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2017 đang nóng lên với nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh dưới nhiều hình thức như tư vấn trực tuyến, trực tiếp, phát tờ rơi…

Học sinh lớp 12 được giới thiệu một số sản phẩm nghiên cứu khoa học của SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trong khuôn khổ Ngày hội mở 2017.
Học sinh lớp 12 được giới thiệu một số sản phẩm nghiên cứu khoa học của SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trong khuôn khổ Ngày hội mở 2017.

Nằm trong nỗ lực giúp cho học sinh lựa chọn bậc học, chọn trường, chọn ngành, nghề để đăng ký dự thi phù hợp với khả năng và sở trường của bản thân, đáp ứng nhu cầu nguồn lực…nhiều trường ĐH, CĐ, dù không nằm trong diện khan hiếm nguồn tuyển, cũng đã tìm cách tiếp cận trực tiếp với thí sinh thông qua các chương trình tư vấn trực tiếp tới từng địa phương, cụm trường.

Thiết thực với Ngày hội Mở

Mặc dù không nằm trong diện khan hiếm nguồn tuyển nhưng trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vẫn tổ chức Ngày hội Mở để tư vấn chuyên sâu cho HS phổ thông trong lựa chọn ngành học phù hợp.

Dự định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào khoa CNTT, trường ĐH Bách khoa, em Trần Mạnh Cường (HS trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông, TP Hội An, Quảng Nam) cho biết: “Em chỉ nghĩ đơn giản là với sức học của mình thì khả năng trúng tuyển sẽ cao, đây cũng là ngành dễ xin việc làm sau này. Nhờ tham gia Ngày hội Mở, em mới biết thêm để trở thành một kỹ sư CNTT, ngoài kiến thức chuyên môn, còn phải có tính kiên trì, tư duy logic và yêu cầu kỷ luật lao động, khả năng làm việc nhóm - những tố chất rất cần trong công việc cho các kỹ sư CNTT sau này”.

Ngoài được trực tiếp tham quan các phòng học, khu thực nghiệm, trung tâm học liệu, xưởng sản xuất, phòng học chuyên đề… của trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, phụ huynh và HS lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng còn được giới thiệu những mô hình, sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Học sinh Đức Anh hồ hởi: “Đây là lần đầu tiên chúng em được tiếp cận thực tế ở một trường Đại học. Tham gia Ngày hội Mở, được các thầy cô là trưởng, phó các khoa cung cấp những thông tin sâu về ngành nghề mà mình dự định học thực sự rất cần thiết, giúp em có thể hình dung được về môi trường ở bậc Đại học, đối chiếu xem năng lực của bản thân có phù hợp với ngành nghề mình chọn hay không”.

Học sinh và phụ huynh ngoài việc được giới thiệu về trường, các ngành nghề đào tạo, tổ hợp môn xét tuyển, điểm trúng tuyển của các năm trước đó còn được giới thiệu rất kỹ mục tiêu, chuẩn đầu ra và cơ hội việc làm của các chuyên ngành.

Chủ động tiếp cận thí sinh

Ngoài tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh với các đơn vị, cơ quan truyền thông khác, ĐH Đà Nẵng còn tổ chức riêng các kênh tư vấn để tiếp cận thí sinh. Không chỉ khu biệt tại Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng còn mở rộng đi đến các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên như: Quảng Ngãi , Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc…

Hàng nghìn câu hỏi từ các thí sinh được trực tiếp giải đáp một cách kỹ lưỡng từ ngành nghề, đến cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, thậm chí cả chỗ ở, ký túc xá… Song song với hình thức tư vấn trực tiếp, ĐH Đà Nẵng vẫn tiếp tục duy trì tư vấn trực tuyến như các năm trước, những câu hỏi chưa được trả lời trực tiếp, sẽ được giải đáp trên trang web của ĐH Đà Nẵng.

Riêng trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, ngoài tham gia tư vấn tuyển sinh cùng với ĐH Đà Nẵng, nhà trường còn tập trung tư vấn trên chuyên trang tuyển sinh và fanpage của trường.

PGS.TS Lê Văn Huy – Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế - cho biết: “Trường cũng đã công bố hai số điện thoại hotline là 0911233777 và (0236) 3522345 để học sinh, phụ huynh có thể tham khảo, tư vấn trực tiếp. Ngoài tạo điều kiện tối đa cho học sinh dễ dàng nhất trong việc tiếp cận thông tin về tuyển sinh, các ngành đào tạo, nhà trường còn cung cấp thêm các thông tin về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng như các chế độ chính sách, dịch vụ trong quá trình học tập của sinh viên”.

Một số trường THPT, ngoài việc tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ chủ động tiếp cận thí sinh, cũng đã liên hệ với một số trường đào tạo nghề đến tư vấn tại trường.

Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) cho biết: “Có sâu sát HS mới thấy càng nhiều thông tin thì các em càng phân vân trong lựa chọn. Chính vì vậy, trong tư vấn hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh, phải làm sao cho HS xác định được năng lực thực sự của mình, biết được mình “rơi” vào chỗ nào thì được, và phải có sự hình dung nhất định về con đường phía trước của mình”.

Đây cũng chính là lý do khiến nhà trường đã chủ động mời các trường đào tạo nghề cho HS khối 12 đến tham quan, tư vấn chuyên sâu tại trường. “Có một thực tế là rất nhiều HS, dù không đủ năng lực để vào học trường CĐ, ĐH nhưng vẫn nhất quyết không đầu quân vào trường nghề. Và đây là cách chúng tôi thực hiện để góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh, HS về vị trí và vai trò giáo dục nghề nghiệp”.

Thay vì học sinh phải tìm kiếm thông tin tuyển sinh một cách khó khăn như trước đây, thì càng ngày, các trường ĐH, CĐ, TCCN tự tìm đến với thí sinh bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, đầy đủ hơn bao giờ hết. Thí sinh, nhờ vậy, sẽ có nhiều thông tin hơn, nhìn đúng đắn hơn về ngành nghề mình lựa chọn sẽ thi vào đúng năng lực, sở thích và ước mơ của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.