Từ nhu cầu thực tiễn
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập của các nền văn hóa khác nhau đã tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó có sự tác động mạnh mẽ nhất nhằm vào giới trẻ, đặc biệt là HSSV ở cả phổ thông cũng như cơ sở đào tạo.
Đối với học sinh phổ thông, khi mà nhân cách các em đang trong quá trình hình thành, phát triển với nhiều biểu hiện đáng lo ngại thường gặp như khúc mắc trong học tập, trong mối quan hệ thầy cô, gia đình, bạn bè... Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc (nhẹ thì chán học bỏ học, nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường... thậm chí tự tử, gây hậu quả nghiêm trọng).
Đối với sinh viên, học sinh các trường cao đẳng, TCCN, bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, các vấn đề mới nảy sinh thường gặp như lúng túng, chưa quen với phương pháp mới, khó xác định được kế hoạch học tập..; một số học sinh sa vào các tệ nạn cờ bạc, lô đề, nghiện game, mại dâm, sống thử, sống buông thả... rất cần tư vấn tâm lý.
Bên cạnh đó, tình trạng nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô giáo và người lớn không phải là hiện tượng cá biệt trong các trường phổ thông và cơ sở đào tạo... là những biểu hiện đáng lo ngại của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Với đặc điểm tâm lý lứa tuổi và những tác động đến đời sống tâm lý của HSSV hiện nay, Bộ GD&ĐT xác định công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện, giúp HSSV có một đời sống tinh thần lành mạnh để học tập và rèn luyện tốt.
Dự thảo lần 2 Thông tư Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông của Bộ GD&ĐT cũng là một trong những động thái thể hiện việc khuyến khích các nhà trường quan tâm hơn tới công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Vì thế, ý tưởng về một mô hình chuẩn cho công tác tư vấn tâm lý phù hợp với từng lứa tuổi luôn là điều các đơn vị giáo dục mong muốn đạt được.
... đến những cách làm hiệu quả
Thời gian qua, một số trường phổ thông đã bước đầu hình thành tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường đạt được những kết quả khả quan.
Theo số liệu thống kê năm học 2013 - 2014 của Sở GD&ĐT TPHCM, là đơn vị tiên phong thực hiện tốt phong trào tư vấn tâm lý trong nhà trường, toàn thành phố có 98 phòng tư vấn tâm lý trong các trường, 117 cán bộ tư vấn chuyên trách, 866 cán bộ tư vấn kiêm nhiệm, đã có 67.781 lượt học sinh được tư vấn tâm lý.
Một số trường ở TPHCM đã thành lập tổ tư vấn và phòng tư vấn học đường trong đó có giáo viên thay ca trực hàng ngày để tư vấn cho học sinh như Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), Trường THCS Hà Huy Tập (Bình Thạnh), Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1). Cá biệt có trường đã năng động tăng biên chế 2 giáo viên tư vấn như Trường THPT Marie Curie, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, 2 giáo viên tư vấn đều được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Hà Nội là một trong ít các địa phương đã xây dựng phòng tư vấn tâm lý ở một số trường học. Có thể kể đến mô hình Phòng tư vấn tâm lý Tuổi hồng của Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng thành lập phòng tư vấn tâm lý trong trường đến nay tròn 15 năm.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng cho biết, phòng tư vấn luôn mở cửa trong suốt quãng thời gian học sinh có mặt ở trường sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ xử lý những tình huống xảy ra trong học tập sinh hoạt của học sinh, mặt khác thông qua hoạt động tư vấn tâm lý, có thể tăng cường khả năng thích ứng của HS trước các biến đổi của xã hội, hay khả năng giải quyết tình huống phù hợp.
Cần có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý
Kết quả khảo sát gần đây do Bộ GD&ĐT tiến hành trên một số trường THCS, THPT, đại học tại Hà Nội, Hải Dương cho thấy, 93,57% số HSSV được hỏi gặp phải những khó khăn vướng mắc cần chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày (trong đó khối phổ thông là 95,33%, đại học là 85,92%). Đặc biệt ở lứa tuổi phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%. Trong khi đó, phần lớn (82,31% HSSV được hỏi) đều mong muốn nhà trường có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em đến chia sẻ về các vấn đề tâm lý bản thân.
Cũng theo kết quả khảo sát này, đa phần HSSV mong muốn nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống. Bởi khi chia sẻ với cán bộ tư vấn chuyên trách, HSSV đỡ e dè hơn so với thầy cô chủ nhiệm, quản lý sinh viên hay các giáo viên kiêm nhiệm.
Thế nhưng, hiện nay, hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tư vấn tâm lý. Và một trong những cản trở lớn đối với việc phát triển tư vấn học đường chính là chưa có chỉ tiêu biên chế cho cán bộ tư vấn tâm lý học đường.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay các cơ quan hữu quan đang triển khai việc xác định các vị trí việc làm tại cơ sở. Trong danh sách các vị trí việc làm tại cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng xác định hoạt động tư vấn tâm lý giáo dục là một vị trí cần thiết.
Từ những mô hình thực hiện tốt công tác tư vấn, Bộ GD&ĐT đang tổng hợp đánh giá và tiếp tục chỉ đạo cụ thể hơn. Vấn đề tư vấn, trong đó có tư vấn tâm lý cho HSSV trong nhà trường sẽ được thể hiện trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để góp phần tạo điều kiện cho HSSV phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần.