Tạo dựng niềm tin cho học sinh từ tư vấn học đường

GD&TĐ - Vẫn còn rất nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, nhưng với quyết tâm và luôn trăn trở trong cách làm, một số trường học tại Bình Thuận đã khá thành công với tư vấn tâm lý học đường. 

Giáo viên tư vấn tâm lý tại Trường THPT Phan Thiết, Bình Thuận
Giáo viên tư vấn tâm lý tại Trường THPT Phan Thiết, Bình Thuận

Người tư vấn đã chia sẻ, đồng hành và thực sự tạo dựng được niềm tin cho học sinh, tác động thúc đẩy mạnh mẽ để học sinh vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Sự cần thiết của công tác tư vấn học đường, những khó khăn cùng giải pháp mà Bình Thuận thực hiện được ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận - chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại.

Không ít học sinh có dự định bỏ học, giáo viên tư vấn giúp đỡ học sinh trở lại học tập; cũng có những đơn vị tư vấn thành công cho giáo viên khi gặp phải những vấn đề tâm lý tình cảm gặp khó khăn; tư vấn thành công trong giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật,...
Ông Phan Đoàn Thái

- Quan điểm của ông về sự cần thiết của công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông hiện nay?

Tôi cho rằng, hoạt động tư vấn tâm lý tại các trường phổ thông là hết sức cần thiết. Hoạt động này giúp phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực xảy ra trong và ngoài nhà trường.

Đây cũng là hoạt động giúp giáo dục cho học sinh về tình yêu quê hương, đất nước giá trị sống, định hướng nghề nghiệp; đồng thời giải tỏa cho các em một số thắc mắc, tâm lý tuổi mới lớn, những khó khăn trong đời sống, khủng hoảng tâm lý do thực tế cuộc sống,...

- Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông được Sở GD&ĐT Bình Thuận triển khai như thế nào trong thời gian qua? Kết quả đạt được ra sao?

Nhận thức được tầm quan trọng của tư vấn tâm lý học đường, từ nhiều năm trước, Sở GD&ĐT Bình Thuận đã có những hoạt động triển khai nội dung này.

Đơn cử, năm 2011 chúng tôi tổ chức tập huấn tâm lý lứa tuổi cho các giáo viên THCS, THPT. Năm 2013, tổ chức tập huấn giáo viên chủ nhiệm làm công tác tư vấn cũng cho 2 cấp học trên và hội thảo về phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường.

Từ năm 2011 đến 2014, Sở đã tổ chức tập huấn các chuyên đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên, bình đẳng giới, kỹ năng sống. Năm 2015, Sở GD&ĐT cử đoàn cán bộ, giáo viên (4 người) tham dự tham gia tập huấn tư vấn tâm lý học đường của trường phổ thông dân tộc nội trú tại thành phố Vũng Tàu. Đã tổ chức triển khai lại cho giáo viên trong trường PTDT Nội trú tỉnh.

Sau sơ kết lần 1 về công tác tư vấn học đường cấp THPT tổ chức năm 2015, ngày 21/12/2016, Sở GD&ĐT Bình Thuận đã tổ chức Hội thảo và sơ kết công tác tư vấn tâm lý cho các trường THPT và phòng GD&ĐT.

Mới đây nhất, tháng 5/2017, Sở GD&ĐT phối hợp với trường CĐ Cộng đồng tổ chức 2 lớp tập huấn công tác tư vấn tâm lý cho 100 cán bộ và giáo viên các trường trung học trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, một số đơn vị đã có những biện pháp - kỹ năng tư vấn cụ thể trong nhiều trường hợp với các mối quan hệ khác nhau của học sinh: từ quan hệ gia đình đến quan hệ bạn bè, tình yêu lứa đôi, từ mối quan hệ với thầy cô đến vấn đề học tập, hôn nhân, sức khỏe sinh sản vị thành niên,… đã đạt được kết quả rất đáng tin cậy.

Người tư vấn đã chia sẻ, đồng hành, tạo dựng được niềm tin cho học sinh, tác động thúc đẩy mạnh mẽ để học sinh vươn lên, vượt qua những ý nghĩ, nhận thức đang trên bờ suy sụp, bế tắc; ngăn ngừa những nguy cơ bạo lực học đường có thể xảy ra.

Không ít học sinh có dự định bỏ học, giáo viên tư vấn giúp đỡ học sinh trở lại học tập; cũng có những đơn vị tư vấn thành công cho giáo viên khi gặp phải những vấn đề tâm lý tình cảm gặp khó khăn; tư vấn thành công trong giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật,...

Ông Phan Đoàn Thái
Ông Phan Đoàn Thái 

- Hiện nay, việc triển khai tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường phổ thông còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn cụ thể của Bình Thuận trong công tác này là gì?

Hiện nay tại Bình Thuận, các trường chưa có giáo viên có trình độ chuyên môn được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học cũng như phương pháp - kỹ năng tư vấn tâm lý lứa tuổi.

Thực tế, toàn tỉnh chỉ có vài ba trường có phòng dành riêng cho công tác tư vấn, còn lại hầu hết các trường mượn ghép vào với các phòng của Đoàn - Đội, công đoàn, phòng giám thị, có trường lấy phòng phó hiệu trưởng làm phòng tư vấn.

Chính vì thế nên chưa thu hút được học sinh tự nguyện tìm đến xin tư vấn khi gặp phải những biến động khó khăn bất thường đối với bản thân; cũng có một số đơn vị hết sức cố gắng làm công tác tư vấn nhưng không thành công.

Trước đây chưa có chế độ cho giáo viên làm công tác tư vấn, một số trường đã linh hoạt vận dụng tính giờ cho các thành viên trong ban tư vấn. Nhưng việc tính tiết hàng tuần chỉ mang tính chất động viên, trong thực tế giáo viên tham gia tư vấn chiếm thời gian rất nhiều thời gian (Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ 12/7/2017 mới ban hành có tính tiết cho giáo viên làm công tác tư vấn).

 Một yêu cầu quan trọng là triển khai công tác tư vấn trở thành việc làm thường xuyên, chính khóa của các trường, có kiểm tra đôn đốc báo cáo hiệu quả công việc. Cùng với đó, tổ chức học tập và rút kinh nghiệm giữa các cụm trường để phát huy hiệu quả công tác này, báo cáo điển hình những trường làm tốt.
Ông Phan Đoàn Thái

- Ông có thể chia sẻ những giải pháp đã được Sở GD&ĐT Bình Thuận thực hiện để giải quyết các khó khăn trên và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông?

Trước những khó khăn trên, Sở GD&ĐT Bình Thuận đã tăng cường phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tiến đến chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn tâm lý tại các trường phổ thông để có những biện pháp kịp thời nâng cao chất lượng của hoạt động này.

Chúng tôi chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thảo, các cuộc thi, sân khấu hóa, kịch, … để tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh về vai trò của hoạt động tư vấn tâm lý tại các trường phổ thông.

Bên cạnh đó, cần bố trí một phòng tư vấn tâm lý ở nơi thuận tiện, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, thân thiện cho học sinh khi đến liên hệ. Nên trang bị một số sách, báo phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi và tích cực tuyên truyền, giới thiệu, tạo hiệu ứng mạnh mẽ về văn hóa đọc trong nhà trường để thu hút học sinh.

Chúng tôi cũng yêu cầu các trường cần giải thích - giới thiệu cho học sinh biết lợi ích một cách thiết thực đối với bản thân khi được tiếp cận với người làm công tác tư vấn.

- Những đề xuất, kiến nghị của Sở GD&ĐT Bình Thuận giúp triển khai có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông hiện nay?

Tôi cho rằng, phải có chuyên ngành đào tạo giáo viên về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Về phía Bộ GD&ĐT, cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác này cho giáo viên.

Một yêu cầu quan trọng là triển khai công tác tư vấn trở thành việc làm thường xuyên, chính khóa của các trường, có kiểm tra đôn đốc báo cáo hiệu quả công việc. Cùng với đó, tổ chức học tập và rút kinh nghiệm giữa các cụm trường để phát huy hiệu quả công tác này, báo cáo điển hình những trường làm tốt.

- Xin cảm ơn ông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.