Đó là những chia sẻ của NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
- Chia sẻ của thầy về sự cần thiết của công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông hiện nay?
Lứa tuổi học sinh trong quá trình phát triển có những thay đổi về cơ thể, biến động về tâm lý; đặc biệt lứa tuổi THCS có sự thay đổi rất lớn. Bộ GD&ĐT đang chuyển sang đào tạo chú trọng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học thông qua các kiến thức. Kiến thức chỉ là nền tảng để phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà trường hiện nay còn nặng về dạy chữ mà chưa quan tâm đầy đủ đến dạy người, đến phát triển tâm sinh lý, tính cách của học sinh.
Bên cạnh đó, trường sư phạm chưa hình thành được cho sinh viên năng lực nghề trên cơ sở khoa học tâm lý, giáo dục… Giáo viên chủ nhiệm chưa làm đúng, làm hết vai trò của mình; không được đào tạo và không được sử dụng đúng vị trí, vai trò là người chăm sóc tinh thần của học sinh…
Vừa qua, chúng ta đang có nhiều vấn đề chưa giải quyết được như bạo lực học đường, giáo dục giới tính trong nhà trường chưa phù hợp... Trên thực tế, có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra vì học sinh không có người chia sẻ, không được phát hiện sớm…
Trong khi đó, giáo dục là phải đến từng con người cụ thể, không phải đồng loạt; cần sự chia sẻ, hiểu biết về từng học sinh để giúp đỡ các em phát triển đúng hướng.
Làm được điều đó, trong các nhà trường buộc phải có các bộ phận theo dõi và làm việc trực tiếp với học sinh. Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, từ năm 2000 đến nay luôn có một ê kíp từ 3 – 4 người đảm nhiệm công việc này; chưa kể đội ngũ giáo viên chủ nhiệm được đào tạo bài bản, được trả lương cao để theo sát từng học sinh.
Ở các nước phát triển, trường học luôn có bộ phận tư vấn tâm lý với đội ngũ được đào tạo bài bản và có cơ chế hoạt động rõ ràng.
- Theo thầy, đâu là khó khăn, vướng mắc khi triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường trong các nhà trường? Mấu chốt thực hiện hiệu quả công tác này là gì?
Trước hết là vấn đề chỉ đạo từ cơ quan quản lý. Mặc dù đây là nội dung được quan tâm, được nói đến nhiều nhưng mới chỉ dừng lại ở tổ chức hội thảo, nêu vấn đề, khuyến khích,… chứ chưa có văn bản cụ thể cho phép các nhà trường làm một cách bàn bản.
Khó khăn tiếp theo là vấn đề biên chế và tài chính cho hoạt động này. Cùng với đó, lãnh đạo nhiều trường chưa thực sự quan tâm, chưa thấy được đây là một công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực ra, để làm tốt công tác này, vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục vô cùng quan trọng. Nếu những người này nhận thức đây là việc quan trọng là quyết tâm làm thì bằng mọi cách họ có thể làm được. Nếu có đầy đủ cơ chế nhưng người đứng đầu nhà trường không quyết tâm cũng sẽ khó mang lại hiệu quả.
TS Nguyễn Tùng Lâm |
- Ngoài yếu tố người đứng đầu, theo thầy còn cần những điều kiện gì để hoạt động tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả trong các nhà trường?
Tôi cho rằng, cần phải tính đến điều kiện thành lập phòng tham vấn, tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường.
Theo đó, điều kiện đầu tiên là phải định biên về vị trí, chức danh này để làm cơ sở cho trường tuyển người. Tôi được biết, ở TP Hồ Chí Minh, mỗi trường THPT được một biên chế về tâm lý học đường (theo tôi đc biết). Trước hết phải có định biên.
Thú 2, căn cứ vào đầu học sinh phải có số lượng người làm công tác tư vấn tâm lý tương ứng. Nếu định biên nhà nước chưa đủ thì phải đào tạo kiêm nhiệm bằng cách chọn giáo viên giỏi, có thiên hướng, chấp nhận làm việc. Nhà trường phải có cơ chế đãi ngộ cụ thể cho đội ngũ này.
Bên cạnh cơ chế về con người, cần có cơ chế tiền lương, về tài chính cho hoạt động này. Cùng với đó là cơ chế về thời gian để bộ phận này hoạt động.
Hiệu trưởng nhà trường phải là người chịu trách nhiệm chỉ đạo và đưa các nội dung về tư vấn tâm lý vào như một hoạt động giáo dục trong nhà trường. Hiệu trưởng cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động này.
Tất cả cơ chế nói trên phải được Bộ GD&ĐT quy đinh trong một văn bản cụ thể.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần quan tâm ngay đến việc đào tạo đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý; các trường đại học sư phạm phải có mã ngành cho tâm lý học đường. Cùng với đó, đào tạo giáo viên có phẩm chất, năng lực để có thể làm bán chuyên trách. Lực lượng này cũng quan trọng vì nếu cứ chờ biên chế sẽ lâu và sẽ không đủ.
- Hiện nay công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường chưa có sự đồng bộ; quy định về nhiệm vụ của đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý cũng không giống nhau. Từ kinh nghiệm của trường THPT Đinh Tiên Hoàng, theo thầy, cần quy định những việc cán bộ tư vấn tâm lý học đường phải làm như thế nào?
Tôi thấy rằng, các trường hiện nay đã thấy được nhu cầu phát triển tâm lý học sinh. Có 3 việc cán bộ tâm lý học đường phải làm cụ thể như sau:
Thứ nhất là đưa khoa học tâm lý giáo dục vào học đường. Đây là nội dung chúng ta còn yếu và bộ phận tâm lý học đường sẽ đảm nhận việc đó. Đội ngũ này sẽ cố vấn cho giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu, cha mẹ học sinh để hiểu học sinh hơn, để tác động đúng tới từng đối tượng học sinh
Thứ 2, cán bộ tư vấn tâm lý phải trực tiếp tháo gỡ những ca đặc biệt. Đơn cử, học sinh giận cha mẹ bỏ nhà đi, phải tìm hiểu nguyên nhân chứ không phải gọi ra để kỷ luật… Cái khó là tham vấn để học sinh tự rút ra bài học chứ không được áp đặt. Làm một ca tư vấn tâm lý có thể rất lâu, mất thời giờ, nhưng khi thay đổi thì rất bền vững.
Thứ 3, cán bộ tư vấn tâm lý phải làm giáo dục hướng nghiệp, phải “đo đạc” học sinh xem điểm mạnh yếu từng em như thế nào, xu hướng phát triển, sở thích, mong muốn ra sao… Đây cũng là phần việc nặng, không đơn giản
Cán bộ tư vấn tâm lý bên cạnh được đào tạo chuyên môn cần là người có năng lực, có tâm, nhiệt tình. Đây là công việc hoàn toàn khác với công tác đoàn đội, không phải mang tính chất phong trào. Cũng cần tách tư vấn tâm lý ra khỏi nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm.
“Nên có quy định về chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của hoạt động tư vấn tâm lý; còn hình thức hiện nên để cho phòng tham vấn thực hiện, theo sáng kiến mỗi nhà trường tùy theo tình hình cụ thể của trường đó” – TS Nguyễn Tùng Lâm.