Linh hoạt trong thực hiện
Về công tác tại Phòng Tư vấn tâm lý của Trường THPT Marie Curie (quận 3) từ năm 2009, cô Bùi Thị Kiều - cử nhân giáo dục, chuyên ngành Tâm lý (Trường ĐH KHXH &NV TPHCM) chia sẻ, sự quan tâm sâu sát của ban lãnh đạo nhà trường là yếu tố rất quan trọng để đội ngũ GV tâm lý luôn nỗ lực, linh hoạt trong công việc.
Cụ thể, Trường Marie Curie đã trang bị Phòng Tư vấn tâm lý đầy đủ về CSVC, máy tính, Internet, thậm chí còn trang bị cả điện thoại. Nhận thấy nhu cầu của các em HS, trường đã tuyển dụng thêm một ThS trị liệu là cô giáo Phạm Thị Bích Phượng để phối hợp làm việc nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Trung bình, mỗi năm tới 300 - 400 lượt HS của trường đến tham vấn tâm lý.
Ngoài ra, để Phòng Tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả, bản thân cô Kiều và cô Bích Phượng đều linh hoạt, chủ động trong công việc của mình. Ví dụ như lập trang fanpage Tư vấn tâm lý Trường Marie Curie để HS có thể liên lạc nếu các em ngại gặp trực tiếp hay như thành lập CLB tâm lý thu hút gần 20 HS của trường tham gia. Đồng thời tổ chức thêm các tình nguyện viên từ các khoa tâm lý của một số trường tại địa bàn để cùng hỗ trợ trong công việc tư vấn này.
Đặc biệt, cô Kiều và cô Bích Phượng còn lập ra một fanpage có tên Mạng lưới chuyên gia tư vấn tâm lý trường học tại TPHCM để các giáo viên làm công tác này cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ, động viên nhau trong quá trình làm việc, cũng như lên kế hoạch offline để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ…
Năm 2012, Sở GD&ĐT TPHCM có ra văn bản về quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động công tác tư vấn trường học. Đây cũng là cơ sở để các GV làm công tác này có kế hoạch cụ thể. Hằng năm, các GV làm công tác này đều được Sở tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Nhưng từ năm học 2015 - 2016 đã bị ngưng lại vì lý do khách quan khiến các GV tâm lý đều phải nỗ lực tìm tòi và chủ động trong công việc chuyên môn của mình.
Tháo gỡ khó khăn tạm thời
Nhận thấy vai trò quan trọng của giáo viên làm công tác tư vấn học đường, với sự tham mưu của Sở GD&ĐT TPHCM, UBND TPHCM phê duyệt, kể từ năm học 2009 - 2010, các trường THCS, THPT được một biên chế GV tư vấn tâm lý làm công tác tư vấn học đường nên cô Bùi Thị Kiều và một số đồng nghiệp khác ở thời điểm khi trúng tuyển, nhận công tác đều được hưởng các chế độ như các GV khác theo quy định.
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê, năm học 2014 - 2015, TP có 891/936 trường phổ thông thực hiện chương trình tư vấn học đường, có khoảng gần 100 trường có phòng tham vấn tâm lý học đường. Tính đến năm học 2015 - 2016, tổng số cơ sở giáo dục công lập tại TP (từ tiểu học - THPT) có hơn 900 trường, có 100% các trường đều thực hiện chương trình tư vấn tâm lý học đường, nhưng chỉ có gần 120 GV đúng chuyên ngành làm công tác này, chủ yếu ở THPT, TTGDTX, riêng bậc THCS và tiểu học có khoảng 35 phòng tư vấn, rất ít GV chuyên trách.
Tuy nhiên, con số này có phần ngưng lại khi cuối năm 2015, sau kết quả thanh kiểm tra, UBND TPHCM đã tạm dừng thực hiện văn bản phê duyệt về tuyển dụng GV tư vấn tâm lý vì chức danh này không có trong thông tư hướng dẫn về định biên, định mức, chức danh GV trong cơ sở giáo dục công lập. Bên cạnh đó, một số GV do thu nhập thấp cũng đã chủ động xin nghỉ việc khiến công tác tư vấn học đường hiệu quả nhưng chưa đồng đều ở TP.
Để tiếp tục duy trì công tác tư vấn tâm lý học đường, nhiều trường đã phải chủ động làm việc với giáo viên bộ môn Giáo dục công dân để họ kiêm nhiệm luôn công tác này. Cụ thể như Trường THPT Trưng Vương (quận 1), do năm học trước GV tâm lý của trường xin nghỉ, nên GV Giáo dục công dân của trường phải kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường. Theo đó trường quy đổi 1 buổi trực bằng 3 tiết dạy, về khoản chi phí cho GV làm công tác này được trường trích ra từ khoản thu của trường ở buổi 2.
Một số trường khác, tuyển dụng người làm công tác này theo dạng hợp đồng năm học, kiêm thêm học vụ, giám thị, nhưng do thu nhập hạn chế nên ít người gắn bó lâu dài dẫn tới công tác này chưa thực sự hiệu quả.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, giáo viên làm kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ; thêm vào đó, khi HS tìm đến, nếu có khúc mắc gặp phải với chính môn học mà GV kiêm nhiệm giảng dạy sẽ thiếu đi sự khách quan trong tư vấn… Nhưng để các trường học có một GV chuyên trách về công tác này, được hưởng các chế độ như các GV khác, thì chỉ có sự nỗ lực của các trường là chưa đủ. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cấp trên đưa ra những điều chỉnh phù hợp về tuyển dụng nhân sự cho công tác tư vấn tâm lý học đường.