(GD&TĐ) - Trong nhiều trường học hiện nay chủ yếu vẫn tiến hành theo kỷ luật áp đặt, buộc cá nhân phải tuân thủ theo. Vô hình trung, phương thức giáo dục này góp phần hình thành nên nhân cách thụ động, không có chính kiến, không có khả năng tự chủ, tự quyết, tự quản; thiếu tự tin và sáng tạo. Trong khi đó, việc thúc đẩy khả năng tự kỷ luật trong học sinh lại ít được quan tâm và phát triển.
Áp đặt - hình thành thụ động
Được tôn trọng học sinh sẽ tự hình thành nên hệ thống giá trị, quy tắc cho riêng mình. |
Trong trường học, kỷ luật thông thường có thể hiểu một cách đơn giản nhất đó là loại kỷ luật xuất phát từ bên ngoài áp đặt lên cá nhân học sinh và buộc học sinh phải tuân theo. Học sinh chỉ biết phục tùng và tuân thủ những gì thầy cô giáo yêu cầu. Cho dù học sinh có ý kiến riêng và có khả năng làm khác đi để đạt hiệu quả cao hơn.
Điều này thể hiện rõ khi học sinh không có quyền tham gia, đóng góp hoặc có ý kiến đối với nội quy học đường mà chính các em là người thực thi. Mặt khác, kỷ luật được coi như những điều, những quy định, quy tắc cần phải tuân theo để giữ gìn trật tự, kỷ cương cho trường, lớp. Chính vì vậy, cứ mắc phải một trong số những lỗi nằm trong danh mục “cứng” thì học sinh sẽ chịu hình phạt của trường lớp và thầy cô.
Chị Hiền (Chùa Bộc – Hà Nội) – một phụ huynh có con học lớp 11 nói: Có hôm đèo con đi học vì xe hỏng nên đến trường muộn 10 phút. Con chị không chỉ bị cờ đỏ ghi tên mà giáo viên chủ nhiệm còn bắt làm bản kiểm điểm. Vẫn biết, hình thức kỷ luật đó chỉ nhằm giúp học sinh phải tuân thủ tốt hơn với nội quy trường lớp.
Song xét về cơ bản, thì rõ ràng đây là lỗi của chị chứ không phải của cháu. Thế nên chịu kỷ luật khiến cháu cảm thấy ấm mức. Giá như cháu được trình bày vì sao đi muộn hoặc có một hình thức kỷ luật linh hoạt hơn như trực nhật lớp bù một vài buổi… không chỉ giúp cháu tâm phục mà còn mang lại giá trị giáo dục lớn hơn rất nhiều với việc làm bản kiểm điểm có chữ kí cha mẹ.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm: trước những áp đặt kỷ luật sẽ tác động và tạo ra những cơ chế ứng phó đáng lo ngại của học sinh như: Thụ động, trả thù, phá hoại đồ vật, nói dối, che giấu sự thật; đổ lỗi cho người khác; áp đặt người khác; rụt rè, lúng túng… Kỷ luật áp đặt bên ngoài chỉ tạo ra cho học sinh những hành vi nghiêm trọng hơn mà người lớn không thể chấp nhận được.
Thậm chí, ngay cả khi các quy tắc những hình thức kỷ luật đạt được mục đích thì nó cũng không khác gì cơ chế kích thích – phản ứng; nghĩa là những thay đổi mà nó tạo ra được ở học sinh chỉ có tính chất cơ học và luôn luôn đòi hỏi kích thích củng cố, khi không được kích thích nữa hoặc kích thích yếu dần thì phản xạ đã tập cũng mất đi.
Nếu áp đặt luật lệ với học sinh, ngay khi thầy cô lơ là, các em sẽ không tự quản, thậm chí lặp lại chính những hành vi bị cấm đoán. Chỉ khi nào học sinh có được kỷ luật của riêng mình, thì các em mới trở thành những cá nhân độc lập và kiểm soát được bản thân.
Tự kỷ luật - Hiệu quả bền vững
Một ví dụ từ Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ở đây học sinh không được hút thuốc lá, cũng giống như tại tất cả các môi trường học đường khác. Tuy nhiên cần nói thêm rằng, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng được thành lập với mục đích đón nhận những học sinh có kết quả học tập không cao và được coi là có vấn đề về mặt đạo đức, ý thức cũng như có nhiều khó khăn tâm lý.
Do đó, đối với học sinh của trường, việc hút thuốc lá là rất phổ biến. Nhà trường đã đưa ra các biện pháp ngăn cấm khác nhau kèm theo nhiều hình thức kỷ luật nhưng đều không có hiệu quả, học sinh vẫn tiếp tục lén hút thuốc trong nhà vệ sinh hoặc thậm chí trong lớp học những khi không có thầy cô giáo đứng quản lớp…
Trước tình trạng nan giải này, ban lãnh đạo nhà trường đã đưa ra nội quy mới, cho phép học sinh đăng ký tự cai nghiện thuốc lá. Trường mở một góc hút thuốc dành cho học sinh, chỉ những học sinh nào đăng ký tự cai nghiện mới được hút thuốc và chỉ hút ở đó. Tất nhiên kèm với điều kiện các em phải cam kết hút với số lượng giảm dần.
Trước những thay đổi khả quan ban đầu, trường nhận thấy việc để cho học sinh chủ động tham gia vào kiểm soát bản thân rõ ràng là một thái độ tích cực. Bản chất của nó xuất phát từ việc nhà giáo dục trao cho học sinh quyền tự đặt ra mục tiêu và cố gắng thực hiện mục tiêu đó.
Tương tự, chính học sinh cũng là người quyết định hình thức “xử lý” nếu mình không thực hiện cam kết. Nếu các em không giảm được số lượng thuốc lá mình hút, thì tự lựa chọn làm một số việc có ích cho tập thể (dọn phòng học, làm vệ sinh trường lớp, phụ trách khâu chuẩn bị cho giờ Thể dục…). Rõ ràng trường không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà mong muốn thay thế nó bằng những hình thức văn minh hơn. Từ đây, một lần nữa vai trò chủ động lại được đặt vào học sinh.
Với tư cách là một người hoạt động trong lĩnh vực tâm lý, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Mấu chốt để thay đổi được hành vi của học sinh, giúp học sinh trở thành những cá thể độc lập, trưởng thành và chín chắn nằm ở chính thái độ của người giáo dục.
Một sự tôn trọng đúng nghĩa và giảng giải thích hợp sẽ giúp hình thành ở học sinh khả năng tự đánh giá bản thân, tự hình thành nên hệ thống giá trị, quy tắc cho riêng mình, thích hợp với những chuẩn mực của nhóm và xã hội.
Học sinh vị thành niên ngày nay cần một khoảng trống tự do để bứt phá, vươn lên, bởi cũng như bất cứ thế hệ nào khác, đây là lứa tuổi đầy tiềm năng và sức bật. Vai trò của học đường là làm sao vừa mang lại những thông tin chính xác và đầy đủ cho học sinh, vừa cho các em khoảng trống tự do đó. |
Mai Hoàng