Kiên cố hóa trường, lớp, cải thiện bữa ăn cho học sinh, trao học bổng cho trò nghèo... được thực hiện từ hình thức truyền thông này.
Nhân lên yêu thương
Những ngày cuối năm học 2023 - 2024, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) mở đợt vận động quyên góp ủng hộ em K.H.Đ, học sinh lớp 6/5 chi phí để điều trị bệnh.
Em Đ. mắc bệnh sarcom xơ cẳng chân trái đã phẫu thuật bóc u một phần (ung thư mô mềm) và tháo khớp gối trái tại bệnh viện ở TPHCM. Theo phác đồ điều trị, Đ. tiếp tục xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng khi đủ sức khỏe.
Từ các nguồn ủng hộ của học sinh, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trao cho gia đình em Đ. gần 176 triệu đồng để trang trải phần nào chi phí trong quá trình chữa bệnh. Sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kịp thời động viên Đ. và gia đình có thêm nghị lực, tiếp tục có điều kiện để điều trị bệnh.
Em K.H.Đ - học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm được bạn cõng đến lớp. Ảnh: NTCC |
Ban giám hiệu Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tiếp nhận đơn trình bày hoàn cảnh của phụ huynh em P.M.H, học sinh lớp 5 vào những ngày gần cuối năm học 2022 – 2023. Sau đó, trong nhóm Zalo các lớp học Trường Tiểu học Phù Đổng nhận được thư ngỏ của cô Hiệu trưởng Trương Thị Nhã Trúc.
Theo đó, gia đình đang cần kinh phí để đưa H. vào TPHCM tiến hành phẫu thuật mổ tim. Với tấm lòng yêu thương, chia sẻ, Trường Tiểu học Phù Đổng kêu gọi sự giúp đỡ của thầy cô và phụ huynh để có thể hỗ trợ phần nào chi phí, giúp em được mổ tim kịp thời.
H. bị dị tật bẩm sinh vách tim. Gia đình thuộc hộ nghèo, sinh sống trong căn nhà nhỏ khoảng 12m2. Chị gái bị bệnh tụy phải phẫu thuật cắt lá gan, bố mẹ em đã ly hôn. Bố làm nghề sửa xe máy, thu nhập bấp bênh.
Lá thư kêu gọi của cô Trương Thị Nhã Trúc nhận nhiều hưởng ứng từ những tấm lòng thơm thảo. Gia đình H. đã tiếp nhận hơn 232 triệu đồng, trong đó hơn 202 triệu đồng từ sự ủng hộ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng cùng nhà hảo tâm.
30 triệu đồng từ một nhà xe tại Nghệ An gửi tặng thông qua Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Báo chí Đà Nẵng. H hiện là học sinh Trường THCS Trưng Vương. Con đường đến trường của em vẫn nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia của ngôi trường mới.
Thầy Phan Quốc Hùng - giáo viên Âm nhạc, Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thường xuyên tổ chức đêm nhạc Tôi hát cho em nhằm kết nối các tấm lòng hảo tâm ủng hộ, trao tặng học bổng hỗ trợ học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Nại Hiên Đông.
Số thứ 3 của đêm nhạc Tôi hát cho em được thầy Hùng cùng anh chị em nhóm thiện nguyện tổ chức ngay sát Tết Nguyên đán 2024 đã mang đến cho học sinh nghèo những phần quà Tết đặc biệt.
Nhiều học trò và ông bà, cha mẹ khi nhận tiền hỗ trợ đều bật khóc vì cảm động. Chương trình càng có ý nghĩa lan tỏa khi có thêm 2 nhà hảo tâm đăng ký hỗ trợ thường xuyên 8 học sinh với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/tháng cho đến khi học hết THPT.
Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hai Bà Trưng đã nhận hỗ trợ 6 học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ở lại ăn bán trú buổi trưa… Những tấm lòng đã kết nối vạn tấm lòng, để đường đến trường của nhiều học sinh nghèo bớt chông chênh…
Lễ khởi công xây dựng điểm trường Lấp Loa, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: NTCC |
Xây trường cho trò
Sau gần 10 năm làm công tác quản lý tại Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam), thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng nhà trường đã huy động nguồn lực để xây dựng kiên cố hóa gần hết các điểm trường lẻ.
Ban đầu thầy Phương kết nối với nhà hảo tâm thông qua các cuộc gặp gỡ hoặc mạng xã hội Facebook để xin hỗ trợ bữa ăn cơm có thịt cho học trò các điểm trường lẻ.
Xin áo quần, sách vở, bữa ăn cho học sinh chỉ là những giải pháp ngắn hạn. Thầy Phương nghĩ đến kế hoạch dài hơi hơn: Xóa phòng học tranh tre nứa lá, kiên cố hóa các điểm trường lẻ.
Chỉ sau 3 năm, từ 2015 - 2018, bằng nhiều nguồn hỗ trợ của các cá nhân và kêu gọi một số CLB thiện nguyện như Kết nối yêu thương Nam Trà My, Bạn thương, lần lượt 9 điểm trường lẻ tranh tre nứa lá của Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập được thay bằng gỗ.
Sau giai đoạn này, cứ điểm trường nào có đường giao thông mở đến, dù chỉ là đường đất, thầy Lê Huy Phương đều vận động nguồn lực để xây dựng kiên cố hóa bằng bê tông. Có những điểm trường như Tắk Pổ, Tắk Rối, Lấp Loa, Răng Chuỗi đã và đang được xây dựng kiên cố hóa với quy mô đầu tư lên đến hàng tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của các tổ chức và cá nhân.
Điểm trường Tắk Rối được hội đồng sư phạm Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập gọi là ngôi trường cổ tích. Đây là điểm trường xây dựng kiên cố hóa 2 lần từ sự vận động của các CLB thiện nguyện, góp phần cải thiện điều kiện dạy - học vùng khó.
Năm 2019, điểm trường Tắc Rối do thầy Lê Huy Phương kết nối với CLB Bạn thương nhau ở Đà Nẵng vận động kinh phí để xây dựng kiên cố bằng bê tông. Nhưng chưa đầy một năm sau, cơn lũ dữ năm 2020 quét qua trường, cả 2 phòng học chỉ còn là đống đổ nát. Thêm một lần nữa, Tắk Rối nhận được sự quan tâm đầu tư xây dựng lại từ CLB này.
Thầy Lê Huy Phương nhận xét, chính sự hy sinh thầm lặng, chăm chút tỉ mỉ, ân cần và đầy trách nhiệm của các thầy cô giáo dạy học ở vùng sâu, xa là những câu chuyện có tính kết nối cộng đồng mạnh mẽ.
Họ cũng là người kết nối với các CLB đội nhóm, tổ chức cá nhân làm thiện nguyện, để ngành Giáo dục có thêm nguồn lực đóng góp từ xã hội nhằm cải thiện điều kiện dạy - học ở vùng khó.
Như cô Trà Thị Thu - giáo viên được nhắc đến với bộ ảnh khai giảng đầy giản dị, đơn sơ ở điểm trường Tắk Pổ đã làm lay động cộng đồng mạng, cũng là người kết nối đặc biệt.
Trước Tết Nguyên đán 2022, 30 hộ dân của làng Tắk Pổ (xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) xây xong nhà vệ sinh khép kín. Công trình trên do cô Thu vận động kinh phí với khoảng hơn 70 triệu đồng, hướng dẫn và giám sát việc xây dựng.
Mùa Hè năm 2023, cô Trà Thị Thu đã kết nối với một nhà hảo tâm để xin kinh phí làm đường vào đến tận làng Tu Nương. Nhà tài trợ chỉ hỗ trợ 1 tấn xi măng, vận chuyển, xăng xe, ăn uống cho bà con. Thầy giáo Trần Văn Bửu - người con của làng đã vận động bà con tham gia ngày công để làm đường.
Công trình nước giếng khoan tại Trường PTDTBT Tiểu học Ngọc Linh từ sự kết nối thông tin trên mạng xã hội của thầy Nguyễn Trần Vỹ. Ảnh: NTCC |
Đưa nước sạch về trường vùng cao
Thầy giáo Lê Huy Phương cho rằng, từ fanpage nhà trường và tài khoản mạng xã hội của giáo viên, đã góp phần truyền thông hoạt động nhà trường đến với phụ huynh và cộng đồng. Đây cũng là kênh kết nối hiệu quả các nguồn lực để cải thiện điều kiện dạy – học, sinh hoạt cho học sinh vùng khó.
Như điểm trường Lang Lương, từ những hình ảnh dạy – học cùng các hoạt động vui chơi hằng ngày được cập nhật trên tài khoản mạng xã hội của cô Trà Thị Thu, đã nhận nhiều sự hỗ trợ, đồng hành của nhà hảo tâm, câu lạc bộ đội nhóm thiện nguyện. Những bữa ăn dinh dưỡng, quần áo ấm, đồng phục; tivi, bộ lọc nước, tủ lạnh trong phòng học… có được nhờ sự kết nối trên.
Tại Trường Tiểu học – THCS Ba Lế (Ba Tơ, Quảng Ngãi), với sự kết nối của cô giáo Nguyễn Thị Trang, 3 giếng khoan ở các điểm trường mẫu giáo được tài trợ. Cô giáo ở các điểm trường Hố Sâu (Trường Mầm non Ba Khâm), mầm non Ba Điền… không còn cảnh xách từng xô nước để dùng. Kinh phí đào mỗi giếng khoan mất từ 22 - 30 triệu đồng tùy địa điểm nhưng là món quà quý đối với các điểm trường vùng cao.
Ngoài kết nối các nhà hảo tâm để xây dựng cầu treo, thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính (Nam Trà My, Quảng Nam) cũng sử dụng tài khoản Facebook của mình để xin kinh phí làm công trình nước giếng khoan, lắp đặt máy lọc nước cho các điểm trường vùng cao.
Mới đây nhất, với sự huy động nguồn lực của CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My do thầy Vỹ làm Chủ nhiệm, Trường PTDTBT Tiểu học Ngọc Linh (xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam) đã có công trình nước giếng khoan, chủ động nguồn nước sạch.
Trước đây, nhà trường phải sử dụng nguồn nước kéo về từ suối. Mùa mưa thì đục ngầu, thầy cô thường gọi đùa là nước gạo đỏ; mùa nắng lại cạn kiệt. Chưa kể những ngày mưa bão, có khi đang đêm hôm, các thầy phải đội áo mưa đi tìm chỗ nối đoạn ống bị mưa dông cuốn trôi.
Mùa Hè này, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Long Túc (xã Trà Nam, Nam Trà My, Quảng Nam) được hỗ trợ kinh phí để đào giếng khoan từ sự kết nối của thầy Nguyễn Trần Vỹ. Trung bình, kinh phí đầu tư cho mỗi giếng khoan khoảng 50 triệu đồng. Đã có khoảng 15 giếng khoan và một số hệ thống lọc nước được lắp đặt ở các điểm trường từ sự vận động tài trợ của CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My.
Thầy Nguyễn Trần Vỹ cho biết: “Có nhiều điểm trường, như Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Long Túc phải khoan đến 3 lần mới tìm ra nguồn nước. Do vậy, kinh phí hỗ trợ để khoan giếng của mỗi trường khác nhau. Điều này, thầy Vỹ phải trao đổi kỹ với bên tài trợ, có sẵn dự toán, để nhà trường có thể tiếp nhận trọn gói.
Chia sẻ về những việc làm dành cho học trò, thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập cho biết: “Mỗi món quà nhà hảo tâm dành tặng học sinh Trà Tập đều được phân chia hợp lý, minh bạch. Điều quan trọng là cái tâm của mình đặt vào đó để học trò được hưởng lợi thì mọi người sẽ tin tưởng và ủng hộ. Muốn các em được học trong ngôi trường ấm cúng, ăn bữa ăn đủ đầy thì mình có đi xin cũng không ngại”.