“Đổi mới” và “sáng tạo”
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Sự kiện - Văn phòng Bộ GD&ĐT, báo cáo công tác truyền thông giáo dục năm học 2023-2024 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Sự kiện - Văn phòng Bộ GD&ĐT trình bày tại hội nghị. (Ảnh: Cẩm Anh) |
Theo báo cáo của Trung tâm Truyền thông Sự kiện - Văn phòng Bộ GD&ĐT, truyền thông về giáo dục và đào tạo là một trong 5 giải pháp cơ bản được ngành Giáo dục thực hiện, nhằm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm, một trong số đó là tăng cường công tác truyền thông giáo dục. Truyền thông giáo dục nói chung và truyền thông chính sách nói riêng ngày càng được quan tâm và có những chuyển biến tích cực.
Điều này thể hiện từ nhận thức về tầm quan trọng của truyền thông tới phương thức triển khai truyền thông được các Sở GD&ĐT coi trọng, đầu tư cho công tác truyền thông được tăng cường.
Ngày 29-30/5/2023, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị công tác văn phòng và truyền thông khối các Sở GDĐT năm 2023 tại TP Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.
Kết luận Hội nghị, đối với công tác truyền thông, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, cần tiếp tục tăng cường đổi mới và sáng tạo.
"Đổi mới" và "sáng tạo" là yêu cầu đặt ra đối với hoạt động truyền thông về giáo dục và đào tạo, sau yêu cầu "chủ động", đã được Văn phòng Bộ GD&ĐT xác định và giao Trung tâm Truyền thông và Sự kiện là đầu mối triển khai thực hiện, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục - đào tạo trên cả nước.
Sự phối hợp, kết nối giữa Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT ngày càng được tăng cường, giúp hoạt động truyền thông đồng bộ, thống nhất trong toàn Ngành. Công tác truyền thông được chú trọng và đẩy mạnh đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa về các loại hình phương tiện truyền thông.
Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT (phải) và ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT tại hội nghị. (Ảnh: Cẩm Anh) |
Những kết quả tích cực
Công tác truyền thông của các Sở GD&ĐT đã đạt được những kết quả tích cực. Rà soát cho thấy trong năm qua, hầu hết các Sở đều tăng cường tính chủ động trong hoạt động truyền thông giáo dục, trong đó tập trung vào các công tác như: tập huấn, bồi dưỡng, tạo lập mạng lưới truyền thông nội bộ và thiết lập mối quan hệ với các cơ quan báo chí địa phương, báo chí Trung ương đóng trên địa bàn, chủ động cung cấp và xử lý thông tin…
Công tác truyền thông cấp Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ tích cực cho hoạt động ban hành các chính sách chỉ đạo, điều hành, văn bản pháp quy của các đơn vị chuyên môn; hướng dẫn, giải thích một cách minh bạch, rõ ràng những chủ trương, chính sách, hoạt động lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành Giáo dục.
Công tác truyền thông giáo dục đã khai thác thế mạnh của các diễn đàn mạng xã hội trên internet; đặc biệt là Facebook - một trong những diễn đàn mạng xã hội có sức lan tỏa thông tin lớn nhất hiện nay.
Điển hình là FanPage Facebook Bộ GD&ĐT tính đến 20/5 có 392.607 người theo dõi (so với số người theo dõi cùng thời điểm năm 2023 là 270.393 người; số người theo dõi vào thời điểm 3 tháng gần nhất là 356.000 người).
Ông Phạm Văn Trung trình bày những nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất. (Ảnh: Cẩm Anh) |
Công tác truyền thông giáo dục còn tồn tại một số hạn chế tập trung ở các vấn đề: chế độ báo cáo; đội ngũ nhân sự chuyên trách công tác truyền thông; quan hệ báo chí và kết nối truyền thông; thực trạng hoạt động của các cổng/ trang thông tin điện tử...
Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Trung cũng nêu một số đổi mới trong hoạt động truyền thông trong các nhóm lĩnh vực truyền thông chính sách, tổ chức cung cấp thông tin chuyên đề, xây dựng các kênh truyền thông vệ tinh, ứng dụng công nghệ, định hướng và đấu tranh dư luận...
Ông Phạm Văn Trung đề xuất trong hoạt động truyền thông như kết nối với Cổng thông tin điện tử, Fanpage của Bộ GD&ĐT; phối hợp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông; phối hợp xử lý các vấn đề, sự cố truyền thông, hỗ trợ lan tỏa, chia sẻ thông tin chính thống từ Bộ GD&ĐT.
Tại hội nghị, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày Chuyên đề về truyền thông chính sách: kiến thức và kỹ năng.
Các đại biểu đến từ Sở GD&ĐT Điện Biên và Sở GD&ĐT Phú Thọ trình bày về công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, đại diện của các Sở GD&ĐT cũng trình bày những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm khi triển khai công tác này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày Chuyên đề về truyền thông chính sách: kiến thức và kỹ năng. (Ảnh: Cẩm Anh) |
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Cẩm Anh |
Đại diện Sở GD&ĐT Điện Biên trình bày tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Cẩm Anh) |