Quan tâm đến các vấn đề xã hội, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội và kết nối để tham gia vào các chương trình, hoạt động góp phần giải quyết các vấn đề - đó là một trong những cách Gen Z đang thể hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt trong khóa tập huấn “Truyền thông tạo tác động xã hội” vừa qua do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức.
Khóa tập huấn thuộc Chương trình Phát triển Sinh viên - DynaGen Initiative khóa 4 và do Quỹ Trăng Đen tài trợ. Với hoạt động này, các bên cùng chung mục tiêu mang đến cho các bạn trẻ cơ hội được trau dồi kiến thức, kỹ năng, phát huy tối đa tiềm năng của bản thân và nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc tham gia vào các hoạt động xã hội.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long |
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (hay còn gọi là cô Long Truyền thông) - Chuyên gia hàng đầu trong việc tư vấn, lập kế hoạch và triển khai truyền thông, xử lý khủng hoảng truyền thông - là người trực tiếp điều hành khóa tập huấn này.
Gen Z truyền thông tạo tác động xã hội |
Gần 100 bạn trẻ tại Hà Nội đã được trực tiếp thực hành các bước lập một kế hoạch truyền thông hiệu quả với 8 dự án giả định cụ thể, bao gồm: Tủ sách nuôi em, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, giáo dục giới tính cho học sinh THCS, sức khỏe tinh thần của giới trẻ - cách loại bỏ áp lực, trẻ em được ăn đồ ăn lành mạnh, cố vấn nghề nghiệp cho giới trẻ, thay đổi nhận thức sinh viên về tiêu dùng xanh, trồng cây xanh.
22 đẳng thức câu truyện truyền thông và 16 quy luật truyền thông |
Dù đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau như truyền thông, kinh tế, giáo dục, y tế, tài chính, công tác xã hội, quản trị doanh nghiệp, dược học, báo chí, tâm lý học, … nhưng các bạn trẻ đều có một mối quan tâm chung với các vấn đề xã hội. Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, đây là một điều rất đặc biệt và đáng trân trọng: “Mỗi một hạt giống tốt đẹp, khi được gieo vào tâm hồn con người, chắc chắn một lúc nào đó, gặp cơ hội, nó sẽ nảy mầm thành những hành động tốt đẹp”. Các bạn trẻ được mong đợi sẽ trở thành những “nhân tố thay đổi” trong nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng góp phần phát triển đất nước một cách bền vững.
Giới trẻ quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội |
Thông qua các phương pháp thảo luận, thuyết trình, làm việc nhóm.v.v. những “nhà truyền thông” tương lai đã hiểu được các định nghĩa của truyền thông, sự khác biệt giữa truyền thông tạo tác động xã hội và truyền thông thông thường, đưa thông điệp đúng cách, đặt mục tiêu truyền thông theo các cấp độ: biết - nhớ - hiểu - tin.
Thực hành truyền thông dự án gia đình với cô Long truyền thông |
“Cách của Cô Long truyền tải nội dung kiến thức rất tự nhiên, rất gần gũi và rất dễ hiểu” - bạn Lương Hoài, sinh viên năm ba của Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ. Đây cũng là phản hồi chung của các bạn trẻ sau khi kết thúc khóa tập huấn.
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tập huấn sinh viên phát triển kỹ năng |
Đặc biệt, các bạn trẻ đã học được cách tạo lưới mục tiêu để khai thác không giới hạn cách sáng tạo nội dung phù hợp với chủ đề truyền thông. Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cũng giới thiệu 22 dạng thức câu chuyện truyền thông và 16 concept truyền thông bất biến thuộc sở hữu của Truyền thông Trăng đen giúp các bạn trẻ ứng dụng trong các dự án, hoạt động xã hội.
Đánh giá cao việc nhận thức của các bạn trẻ với các vấn đề xã hội và khả năng học hỏi về truyền thông tạo tác động, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng các chương trình như DynaGen Initiative có vai trò rất lớn với thế hệ trẻ. Không những trao cơ hội tiếp cận với nguồn kiến thức, kỹ năng thực tế bên ngoài nhà trường, đây còn là một sự khích lệ, quan tâm cần thiết với thế hệ Gen Z phát triển sự nghiệp sau này.
Quỹ Trăng Đen tài trợ DynaGen Initiative của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt |
DynaGen Initiative là chương trình phát triển sinh viên do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Báo Giáo dục & Thời đại (Bộ Giáo dục và Đào tạo) triển khai từ năm 2019, với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Bắc Á và Tập đoàn TH. Chương trình nhằm hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh của các đơn vị là góp phần phát triển tài năng của thế hệ trẻ và hỗ trợ sinh viên lập thân, lập nghiệp. Thông tin chi tiết xem tại http://dynagen.vn/