Những ý tưởng bất ngờ
Dự án Robot mô phỏng hành động con người thu hút sự quan tâm của nhiều người nhờ màn trình diễn khá ấn tượng. Tác giả của dự án này là Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Văn Tuấn, HS Trường THPT Đô Lương 3 (Nghệ An). Hai em hào hứng chia sẻ: “Ý tưởng sáng tạo Robot mô phỏng hành động con người xuất phát từ bộ phim chúng em rất yêu thích là “Tay đấm thép”. Trong phim, chú robot Atom được tìm thấy trong bãi phế thải, có khả năng bắt chước hành động con người. Em nghĩ tại sao không chế tạo ra loại robot như thế, để thay con người trong lao động, sản xuất, đặc biệt là ở môi trường có điều kiện khắc nghiệt như: Tại các hầm mỏ, phá bom mìn…”.
Tuy nhiên, hiện thực hóa một ý tưởng từ bộ phim đầy kỹ xảo không hề dễ dàng. Riêng quá trình viết code chiếm 8 tháng, từ tháng 3 - 10/2018, sau đó là thời gian điều chỉnh cơ khí, xử lý số liệu, chạy thử nghiệm, hoàn thiện mô hình. Kết quả, mô hình robot nhỏ gọn, hoạt động tốt, mô phỏng các cử chỉ người dùng tạo ra mà không cần gắn bất cứ thiết bị nào lên người; đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường và tiết kiệm.
Dự án “Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng” của Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang, HS Trường THCS Trà Lân (Con Cuông) là dự án duy nhất ở bậc THCS được trao giải Nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh. Ý tưởng cải tiến xe lăn cũng nảy ra rất bất ngờ trong lần 2 bạn thay mặt lớp đến thăm thầy giáo Phan Sỹ Việt (giáo viên Vật lý) bị ốm. Đến nhà thầy, cả 2 mới biết mẹ thầy phải ngồi xe lăn do di chứng tai biến mạch máu não. Khi được thầy nhờ lấy gối lót tựa lưng cho bà đỡ mỏi, An buột miệng: Xe lăn này sao họ không thiết kế gập – ngả ra cho bệnh nhân tựa lưng nhỉ?
Từ đó, ba thầy trò bắt tay vào thử làm một chiếc xe lăn chuyên dụng dành cho người bị tai biến. “Ngoài chức năng linh động gập - ngả, chiếc xe cũng được cải tiến để hỗ trợ người bệnh vận động, phục hồi chức năng. Và người đầu tiên thử nghiệm xe lăn này chính là mẹ tôi”, thầy Việt phấn khởi nói.
|
Quan tâm đến văn hóa, ứng xử học đường
Cuộc thi KHKH năm học này cũng thu hút nhiều dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi. Đặc biệt, các đề tài thể hiện sự quan tâm đến vấn đề học đường như: Thực trạng hành vi văn hóa học đường; Kỹ năng quản lý thời gian cho HS; Hình ảnh cái tôi qua Facebook cá nhân của HS; Mối quan hệ giữa phong cách giáo dục của cha mẹ với nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến ở lứa tuổi thanh thiếu niên… Dù các tác giả là HS trung học, nhưng dự án được thực hiện công phu, tiến hành điều tra, khảo sát trên phạm vi rộng. Đề xuất giải pháp có tính thực tiễn cao và đã áp dụng có hiệu quả tại trường học, địa phương nơi các em sinh sống.
“Bố mẹ có kỳ vọng vào con của mình không?” là câu hỏi đầu tiên mà Bùi Duy Khánh và Trần Duy Anh (Trường THPT Quỳnh Lưu 3) đưa ra trong phiếu khảo sát hơn 300 phụ huynh. Kết quả có 96% câu trả lời là có. Trong đó, 80% cha mẹ lý giải nguyên nhân do quá yêu thương, lo lắng cho tương lai của con. Các nguyên nhân còn lại do không hài lòng về cuộc đời mình, bị áp lực từ bên ngoài… Và chỉ có 9% kỳ vọng là dựa vào năng lực của con.
“Đây là phiếu thăm dò ý kiến thực hiện dự án “Một số giải pháp nhằm giảm bớt áp lực và hệ lụy từ sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Thực hiện dự án này, chúng em vừa là chủ thể, vừa là khách thể nên mong muốn phân tích kỹ vấn đề, đưa ra giải pháp từ người trong cuộc”, Duy Khánh chia sẻ. Để tạo một diễn đàn chia sẻ, trao đổi cho các bạn, Khánh và Duy Anh chủ trì xây dựng 3 CLB giáo dục giá trị sống tại Trường THPT Quỳnh Lưu 3. Nhóm cũng tổ chức 2 buổi giao lưu “Hãy lắng nghe con”, và phát động cuộc thi viết “Những điều con muốn nói” thu hút gần 1.300 HS các trường trên địa bàn huyện tham gia.