Cuộc sống muôn màu

 

Cuộc sống muôn màu

Robot phục vụ trong quán cà phê

Quán cà phê Dawnver. Beta vừa được khai trương ở Tokyo (Nhật Bản), sử dụng nhân lực là các robot hình người OriHime-D, do 10 người tàn tật mắc hội chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS) điều khiển, từ nhà của họ.

Robot đóng vai trò như các avatar (hình ảnh đại diện) của các nhân viên - bệnh nhân và thực hiện mọi thao tác trong công việc cũng như tiếp xúc với khách hàng qua kênh hình và kênh tiếng. Mỗi nhân viên của quán được trả thù lao khoảng 9 USD/giờ.

Mạng vệ tinh lượng tử quy mô toàn cầu

Các nhà khoa học Italy khẳng định, chúng ta có khả năng tạo ra mạng lưới vệ tinh liên lạc lượng tử trên quy mô toàn cầu. Nhờ vậy, việc gửi thông tin diễn ra an toàn hơn rất nhiều.

Nhà khoa học Giuseppe Vallone ở ĐH Padova (Italy), một trong các tác giả của công trình nghiên cứu, khẳng định việc trao đổi photon riêng lẻ giữa các vệ tinh trên quỹ đạo và trạm mặt đất (trên khoảng cách hơn 20.000 km) là khả thi.

Các nhà khoa học cho biết, liên lạc vệ tinh lượng tử mở ra khả năng trao đổi dữ liệu rất an toàn. Hệ thống vệ tinh lượng tử trong tương lai sẽ được ứng dụng trong các lĩnh vực dân sự, khoa học và quân sự.

Không có methane trên sao Hỏa?

Sự kiện tàu quỹ đạo Trace Gas Orbiter của Cơ quan Vũ trụ châu Âu trong năm 2018 không tìm thấy dấu vết methane trong khí quyển sao Hỏa là điều ngạc nhiên lớn đối với giới khoa học, bởi các phân tích khí quyển sao Hỏa, được thực hiện trong nhiều năm trước, đã chỉ rõ sự hiện diện của loại khí này.

Vào năm 2003, các nhà khoa học ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA đã phát hiện dấu vết methane trong khí quyển sao Hỏa. Phát hiện này sau đó được khẳng định bởi tàu quỹ đạo Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Tiếp theo, tàu thăm dò Curiosity không chỉ phát hiện dấu vết methane mà còn thực hiện các nghiên cứu nhằm xác định chu trình methane. Hóa ra, nồng độ khí này lớn nhất trong mùa hè sao Hỏa (0,65 phần tỷ) và thấp nhất trong mùa đông (0,24 phần tỷ).

Theo Interia, Onet, Geekweek

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ