Những người truyền cảm hứng
Nguyễn Ngọc Phương Linh (Hà Tĩnh) – là gương mặt khá tiêu biểu trong số những sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ. Năm vừa qua, với nỗ lực của bản thân, em đã giành được học bổng trị giá 5,5 tỷ đồng từ Trường Đại học Dickinson - Mỹ.
Nhắc tới Linh, chắc hẳn thầy cô và các bạn đều nhớ tới một học sinh năng động, thích thử sức với nhiều vị trí nhỏ trong các CLB, các tổ chức… bởi Linh nhận ra mỗi vị trí đều cho mình thấy được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từ đó xác định được rõ hơn hướng đi của mình.
Cũng bởi thành tích học tập ấn tượng, năng động mà Linh từng được lựa chọn trở thành thành viên tham gia Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản 2017. Đây là cơ hội vô giá, cho Linh tiếp xúc với rất nhiều nền văn hoá khác nhau, hiểu biết thêm về hệ thống chính trị, xã hội của nước bạn; gặp gỡ quen biết nhiều người bạn tài giỏi và truyền cảm hứng cho những người bên cạnh…
Linh nói rằng mình phát triển nhờ những thất bại. Thất bại mà đến nay Linh nhớ nhất là vào năm lớp 10 vì quá chủ quan, chỉ ôn luyện những gì được dạy ở lớp chứ không tự đào sâu và rộng thêm mà Linh suýt trượt học sinh giỏi tỉnh dù trước đó ở bậc THCS em đã từng đạt giải Nhất cấp tỉnh ở môn Toán. Điều này đã giúp Linh nhận ra bản thân cần phải cân bằng mọi thứ, và việc chủ quan là một điều cực kì nguy hiểm.
Nguyễn Nhật Lâm - Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) cũng là một trong những gương mặt sinh viên ấn tượng. Năm 2017, Lâm đạt giải Nhì cuộc thi sáng tạo KHKT TTN NĐ cấp quốc gia với đề tài: Máy khắc laser. Năm 2018 cũng với cuộc thi này đạt giải Ba với đề tài: Chân robot hỗ trợ người khuyêt tật. Ngoài ra, Lâm từng đạt giải Nhất cấp tỉnh của cả 2 cuộc thi khoa học kĩ thuật và sáng tạo thanh thiếu niên 2 năm liền 2017 và 2018. Là cá nhân điển hình trong thi đua yêu nước tỉnh Hà Tĩnh năm 2018.
Năm 13 tuổi Nguyễn Nhật Lâm đã có thể biến xe đạp thường thành xe đạp điện khi biết tận dụng linh kiện từ xe máy cũ, ô tô điện cũ để biến chiếc xe đạp thường của mình thành xe đạp điện. Với thành quả này mà con đường tới trường xa chục cây số của em đã được rút ngắn, giảm bớt khó khăn, thời gian trong việc đến trường.
Thành tích và tên tuổi của Nguyễn Nhật Lâm được biết tới nhiều hơn khi em bắt đầu tham dự và khẳng định được tài năng của mình tại Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức. Năm 2017, khi đang học lớp 11 Lâm đã hoàn thành dự án máy khắc laser để tham gia cuộc thi và đạt giải Nhì cấp quốc gia. Sau giải thưởng này, em tiếp tục cải tiến tốc độ và tính năng khắc trên hình trụ của máy để tham gia tiếp Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc (Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), Bộ KH&CN, Tổng LĐLĐ Việt Nam và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và cũng đạt giải Nhì.
Sau thành công này, Lâm lại tiếp tục triển khai dự án chân robot hỗ trợ người khuyết tật. Với hơn 8 tháng nghiên cứu và chế tạo, sản phẩm đã hoàn thành với nhiều tính năng mà các loại chân hiện nay trên thị trường chưa hề có. Đặc biệt tính năng điều khiển chân bằng cảm biến cơ bắp và định vị GP được đánh giá rất cao. Và sản phẩm chân robot hỗ trợ người khuyết tật đạt giải Ba cấp quốc gia Cuộc thi khoa học kĩ thuật tổ chức năm 2018…
Kinh nghiệm được Lâm rút ra từ quá trình nghiên cứu khoa học đó là: Nếu có cơ hội cần áp dụng kiến thức vừa học ngay vào thực hành sẽ hiểu rõ bản chất cũng như nhớ lâu được. Mặt khác, việc NCKH đòi hỏi sự kiên trì, không ngừng cố gắng. Trong quá trình nghiên cứu sẽ xảy ra rất nhiều trục trặc khó khăn nhưng chỉ cần người nghiên cứu không từ bỏ thì chắc chắn sẽ khắc phục tốt và cho ra kết quả…
Ước vọng cống hiến
Có thể nói, ước vọng cống hiến của các bạn trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên sau khi ra trường đang ngày càng nhiều và trở thành một lẽ sống đẹp. Điều đó không chỉ nói lên ý thức của sinh viên mong muốn khẳng định bản thân mà hơn thế muốn dấn thân vào những lĩnh vực mà mình được đào tạo, học tập trong trường lớp để được cống hiến cho xã hội.
Với Nguyễn Ngọc Phương Linh, dù đang là một sinh viên du học nhưng ngay từ sớm em đã có khát khao được tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến, trở thành con người hiểu biết và có những nghiên cứu có ích cho quê hương và đất nước sau này. Đặc biệt, thông qua những nghiên cứu kinh tế, Linh mong muốn không chỉ để tìm ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế, mà còn để truyền cảm hứng cho các thế hệ sau này khi Linh trở về nước làm việc và sinh sống.
Hay với Nguyễn Nhật Lâm, trước khi trúng tuyển vào một số trường ĐH bằng thành tích nghiên cứu khoa học kĩ thuật mà em mong muốn được học tập trong môi trường học tập phù hợp, ở đó em được thỏa sức với học tập tìm hiểu nhiều kiến thức mới, có cơ hội được ứng dụng thực hành. Và đặc biệt với kiến thức đã học, sau khi ra trường Lâm mong ước trở thành một kĩ sư giỏi làm việc trong các tập đoàn công nghệ lớn, được cống hiến hết kiến thức và đam mê của mình cho nghiên cứu khoa học nước nhà sau này...
Không chỉ có Linh, Lâm là những gương mặt sinh viên trẻ giàu thành tích học tập có mong ước cống hiến mà thực tế đã và đang ghi nhận rất nhiều sinh viên có ước vọng hoài bão và chấp nhận hy sinh gian khổ, thử thách bản thân trong khó khăn để được cống hiến cho quê hương, đất nước.
Rất nhiều sinh viên đã từ chối những cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài, nhiều sinh viên sư phạm từ chối ở lại thành phố chuyển nghề có đồng lương cao hơn để trở về quê hương, vùng cao, biên giới hải đảo để tiếp tục với nghề nghiệp trồng người mình đã lựa chọn.
Tuổi trẻ nói chung, sinh viên các nghành nghề sau khi ra trường nói riêng đang lựa chọn cho mình những bước đi vững vàng, biết cống hiến hy sinh cho xã hội, cho đất nước. Họ không chỉ tạo ra sự hy vọng, mà còn là niềm tin của xã hội vào một thế hệ chủ nhân đất nước trong tương lai có đầy đủ tri thức, đam mê và sẵn sàng cống hiến cho bất kì nơi đâu, khi nào… xã hội, quê hương đất nước cần đến họ.