Báo chí Canada cho rằng, cần đọc Bản Tuyên bố này trong bối cảnh của những sự kiện như vụ bê bối của Công ty Cambridge Analytica (Anh) hay việc khởi động các hệ thống nhận diện khuôn mặt của các chính phủ và lực lượng cảnh sát.
“Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, các hệ thống nhân tạo có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp vốn chỉ dành cho trí tuệ tự nhiên” – Bản Tuyên bố viết. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, mối đe dọa đầu tiên liên quan đến phát triển A.I chính là ảo tưởng rằng có thể chế ngự tương lai bằng cách phép tính và thuật toán.
“Trí tuệ nhân tạo phải góp phần làm gia tăng sự thịnh vượng cho tất cả các sinh vật có cảm xúc” - đó là nội dung quy tắc đầu tiên trong 10 quy tắc.
Nữ Giáo sư Christine Tappolet ở ĐH Montreal nhấn mạnh, các chuẩn và giá trị đi kèm với sự phát triển công nghệ mới là cần thiết. Từ đó, điểm thứ hai của bản quy tắc nói về sự tôn trọng quyền tự trị của con người và tăng cường giúp đỡ con người trong kiểm soát cuộc sống và môi trường xung quanh. Còn điểm thứ ba nói về quy tắc bảo vệ quyền riêng tư.
Các quy tắc tiếp theo liên quan đến việc tôn trọng nguyên tắc đoàn kết xã hội và kiểm soát các hệ thống A.I để tăng cường bình đẳng và tạo dựng một xã hội dựa trên tính công bằng, bình đẳng.
Bản báo cáo Citizen Lab của ĐH Toronto (Canada) công bố hồi tháng 9 năm nay cũng chỉ rõ nhu cầu xây dựng chuẩn trong công việc phát triển và kiểm soát A.I. Theo bản báo cáo này, việc chính phủ sử dụng A.I để tái tạo các kết luận về di cư có thể dẫn tới sự phân biệt chủng tộc, xâm phạm quyền riêng tư và quyền con người nói chung.
Các tác giả của bản báo cáo kêu gọi thành lập viện kiểm soát A.I trung lập và nhóm nghiên cứu liên bang, nhằm “hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của các hệ thống tự động”.
Từ lâu, các nhà văn trên thế giới cũng đã viết về nhu cầu xây dựng luật kiểm soát trí tuệ nhân tạo. Vào năm 1942, nhà văn khoa học viễn tưởng Isaac Asimov (Mỹ) đã công bố 3 luật robot học trong tác phẩm “Trò chơi trốn tìm”, sau đó ông bổ sung thêm một điều luật là robot không thể xâm hại con người.
Bình luận