Trường nghề dạy “3 tại chỗ”: Ưu tiên khóa sắp tốt nghiệp và chương trình chuyển giao

GD&TĐ - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã lưu ý đến các trường nghề cả nước về công tác tuyển sinh, đào tạo trong tình hình dịch Covid kéo dài.

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 khi áp dụng “3 tại chỗ”.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 khi áp dụng “3 tại chỗ”.

Trong đó có việc xem xét hình thức dạy và học “3 tại chỗ” đối với các khóa sắp ra trường hoặc chương trình chuyển giao.

Bảo đảm tiến độ, kế hoạch đào tạo

Theo đó, các trường chủ động điều chỉnh kế hoạch đào tạo cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và quy định giãn cách xã hội của các địa phương. Đảm bảo khai thác tối đa thời gian học sinh, sinh viên được tập trung học trực tiếp tại trường.

Trong điều kiện không thể tổ chức học tập trung, các trường có thể tổ chức giảng dạy nội dung lý thuyết của toàn bộ chương trình bằng hình thức trực tuyến. Khi điều kiện cho phép người học quay lại, trường chỉ tổ chức thực hành, thực tập kỹ năng.

Đối với các khóa chuẩn bị ra trường, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các trường xem xét phương án tổ chức học tập trung tại trường theo mô hình “3 tại chỗ”. Điều này nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn giữ an toàn phòng chống dịch bệnh.

Việc đào tạo trực tuyến được thực hiện qua các công cụ dạy học theo thời gian thực. Nhưng việc kiểm tra, thi kết thúc mô-đun, môn học trực tuyến được thực hiện trực tiếp, tập trung tại trường.

Đối với một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hoặc những ngành nghề, môn học, mô-đun có nội dung phù hợp, hiệu trưởng các trường có thể cho thi, kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, các trường phải bảo đảm đánh giá được chính xác kết quả học tập, tránh gian lận.

Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội - cho hay, nhà trường đã cho những lớp đào tạo theo chương trình của Đức và đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp được đến trường. Hình thức tổ chức “3 tại chỗ” là ăn - ở - học luôn tại trường.

Nhà trường cũng thực hiện test Covid và các biện pháp chống dịch hằng ngày, đo thân nhiệt cho các em khi lên lớp. Chỗ ăn ở của sinh viên một tuần được phun khử khuẩn 2 lần. Bộ phận y tế của trường theo dõi hàng ngày, chăm sóc kiểm tra sức khỏe cho sinh viên.

Nhà trường có tổng khoảng hơn 3 nghìn sinh viên, không kể đến sinh viên sắp ra trường. Toàn bộ các đối tượng này đang học online. Hiện, tổng số sinh viên thực hiện “3 tại chỗ” của nhà trường là 72 bạn chia làm 4 lớp.

“Ngày trước một lớp học 30 em chỉ chia làm 2, còn bây giờ phải chia 4 để giảm tải lượng sinh viên tiếp xúc với nhau và với giảng viên. Như vậy, một giáo viên chỉ lên lớp dạy một nhóm từ 5 - 7 bạn” - bà Phạm Thị Hường chia sẻ.

Học viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội học thực hành “3 tại chỗ” ở trường.
Học viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội học thực hành “3 tại chỗ” ở trường.

Bảo đảm sinh hoạt cho sinh viên “3 tại chỗ”

Cũng theo bà Hường, giảng viên nhận thấy với hình thức học này, các em tiếp thu hiệu quả hơn so với cả lớp cùng học. Bởi mỗi em sẽ tham gia vào phần thực hành được nhiều hơn. Nhiều sinh viên cũng rất thích bởi điều kiện sống trong trường còn tốt hơn khi ở trọ.

Nhà trường đã bố trí giường, chăn, gối, chiếu, điều hòa, quạt. Đồng thời, hỗ trợ các em ăn uống để đảm bảo vệ sinh và phòng dịch. Nhà trường có nhà ăn, thuê một công ty chuyên cung ứng. Hai nhân viên đến ở và nấu ăn trực tiếp tại trường. Ngoài ra, nhà trường đã lắp xong toàn bộ hệ thống wifi, camera phủ kín trường để các thầy cô có thể sử dụng các thiết bị quay và mạng dạy trực tuyến ngay tại chỗ.

Cũng theo bà Hường, nếu dịch ổn định, thì từ tháng 10 đến tháng 12, nhà trường sẽ cố gắng hoàn thiện kỹ năng thực hành. Nếu không, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục dạy online trong suốt kỳ hoặc đổi sang hình thức “3 tại chỗ” với một số lớp sinh viên cuối năm 2. Như vậy, đến khi kết thúc học kỳ I, các em có thể đi học và thực hành tại doanh nghiệp.

Nhà trường cũng đã lắp xong toàn bộ hệ thống wifi và camera phủ kín trường để các thầy cô có thể sử dụng các thiết bị quay, mạng để dạy trực tuyến ngay tại chỗ. Trong dạy nghề phải tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, thầy cô dạy khoảng 30% lý thuyết - 70% thực hành. Đối với phần thực hành, giảng viên có thể xuống xưởng để dạy.

Nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 cũng đã thực hiện học tập “3 tại chỗ”. Theo đó, người học phải chấp hành tuyệt đối các quy định phòng chống dịch. Chỉ đến giảng đường, xưởng nghề, nhà ăn và ký túc xá. Tất cả các hoạt động của sinh viên đều diễn ra ở khuôn viên của nhà trường và tuyệt đối không được ra bên ngoài.

Theo đó, cả khu vực học lý thuyết và thực hành đều phải đảm bảo khoảng cách giữa các sinh viên. Mỗi sinh viên thực hành trên một máy. Giờ lý thuyết, mỗi sinh viên ngồi một bàn, cách nhau 1 bàn trống. Bên cạnh đó phải khai báo y tế thường xuyên, theo dõi sức khỏe liên tục. Toàn bộ sinh viên theo học 3 tại chỗ cũng đã được tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19. Trường cũng tài trợ toàn bộ tiền ăn cho sinh viên, đồng thời miễn phí test Covid-19 hàng tuần.

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường đang lên kịch bản cho sinh viên năm cuối trở lại trường học khi tình hình dịch lắng xuống. Đó là phương án 3 xanh: “Sinh viên xanh, cung đường xanh, môi trường học tập xanh”.

Sinh viên xanh là ít nhất mỗi sinh viên được tiêm 1 mũi vắc-xin. Trước khi đến trường trở lại phải được xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR. Cung đường xanh là nhà trường sẽ hỗ trợ các em giấy đi đường. Thậm chí là dùng xe của nhà trường để đưa các em đến trường. Nhà trường xanh, tức là môi trường học khép kín, chỗ ở giãn cách, sinh viên sẽ không ra ngoài mà ăn uống tại căng tin, rồi định kỳ phải được xét nghiệm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ