Nhiều giáo viên, học sinh trường nghề “bỏ cuộc” vì Covid-19

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 khiến giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là giáo viên nghỉ việc, học sinh không có tiền đóng học phí nên bỏ giữa chừng để đi làm.

Hoạt động GDNN đã và đang gặp nhiều khó khăn tại các địa phương. Ảnh minh họa
Hoạt động GDNN đã và đang gặp nhiều khó khăn tại các địa phương. Ảnh minh họa

Thách thức cả cung lẫn cầu

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết, hoạt động GDNN đã và đang gặp nhiều khó khăn tại các địa phương. Học sinh, sinh viên không có tiền trả chi phí học tập nên bỏ giữa chừng để đi làm. Giáo viên nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển nghề. Nhiều cơ sở GDNN tư thục có nguy cơ phá sản…

Hình thức tuyển sinh trực tuyến rất phù hợp với tình hình dịch bệnh nhưng đối với vùng sâu, vùng xa, các khu vực có hạ tầng kỹ thuật Internet kém còn hạn chế. Chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa trong GDNN tại Việt Nam còn khó khăn. Phần lớn do nhận thức về vai trò của lĩnh vực này trong GDNN chưa tốt.

Theo ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng lớn, trong đó có hoạt động GDNN. Đầu năm 2021, số lượng người lao động sống ở các quốc gia bị hạn chế tới nơi làm việc do Covid-19 vẫn ở mức cao.

Những thách thức đang xuất hiện đối với cả cung và cầu trong vấn đề việc làm. Về phía “cung”, nhu cầu về các kỹ năng phù hợp, đặc biệt là kỹ năng và dịch vụ số gia tăng đáng kể.

Về phía “cầu”, môi trường học tập thuận lợi thông qua các hình thức đào tạo thích hợp nhằm đảm bảo việc học tập suốt đời linh hoạt và hiệu quả. Các giải pháp học tập từ xa trong hệ thống GDNN hiện nay vẫn chưa đáp ứng được so với việc đào tạo trực tiếp. Đặc biệt là những ngành nghề đặc thù kỹ thuật như các nhóm nghề liên quan đến điện, cơ khí, công nghệ ô tô...

Việc giãn cách xã hội cũng như các doanh nghiệp bị đóng cửa làm ảnh hưởng đến triển vọng việc làm của sinh viên. Đồng thời làm suy giảm cơ hội thực tập nghề nghiệp trong các doanh nghiệp.

Việc thiếu các nền tảng học tập từ xa và tài nguyên giáo dục hiệu quả làm gián đoạn hoạt động giảng dạy - học tập. Việc suy giảm chung về chất lượng đào tạo đã gây ra tình trạng sa sút tinh thần cho người học và nhà giáo. Đồng thời làm tăng nguy cơ bỏ học của sinh viên trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Ông Ngọc cũng đánh giá, GDNN đang gặp những thách thức lớn. Cơ sở hạ tầng, thiết bị, công cụ để đáp ứng đào tạo kỹ năng trong bối cảnh dạy trực tuyến là rất hạn chế. Việc hỗ trợ cho quá trình học tập dở dang và chuyển tiếp gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động vừa học vừa thực tập tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Chưa kể đến những băn khoăn như việc đào tạo, đánh giá và công nhận kết quả học tập trực tuyến nên tổ chức như thế nào? Có đảm bảo chất lượng hay không?

Nội dung chương trình đào tạo và phương pháp sư phạm hiện nay có phù hợp với môi trường đào tạo trực tuyến hay không? Và cần thay đổi điều chỉnh ra sao cho phù hợp?

Kỹ năng, động lực, thái độ của cơ sở GDNN và sự tham gia của người học trong giai đoạn này cũng là một vấn đề lớn. Các nguồn lực về tài chính, nhân lực hỗ trợ cho việc triển khai đào tạo từ xa còn hạn chế.

“Dù vậy, cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 cũng là chất xúc tác để các cơ sở GDNN phát triển các giải pháp học tập sáng tạo. Đồng thời đẩy nhanh việc cung cấp các hình thức đào tạo từ xa trên môi trường số với tốc độ và quy mô chưa từng thấy” – ông Ngọc nhấn mạnh.

Linh hoạt trong tình hình mới

Nguyễn Tùng Lâm, học viên Trường Cao đẳng nghề Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, em đang theo học năm thứ 2, nhưng tình hình dịch Covid-19 khiến em quyết định thôi học. Nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ đều mất việc do ảnh hưởng của dịch. Điều này khiến em không có tiền trang trải chi phí học tập. Chưa kể đến việc học trực tuyến đối với GDNN khiến học viên khó hình dung, tiếp thu. Bởi hầu hết chương trình đào tạo trường nghề là thực hành. Trong khi học trực tuyến lại không đáp ứng được yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Lực, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, cho rằng, cần có sự quyết đoán, linh hoạt khi xử lý những tình huống mới.

“Chúng tôi tận dụng, khai thác triệt để các nguồn lực công nghệ thông tin sẵn có trong trường như thiết bị, phần mềm. Tăng cường sử dụng những hệ thống mã nguồn mở, miễn phí. Đồng thời tranh thủ đăng ký những gói dịch vụ hỗ trợ cho giáo dục đến từ các hệ thống lớn có uy tín” – ông Lực nêu.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, ông Lực kiến nghị Tổng cục GDNN cần xây dựng các hệ thống dữ liệu dùng chung. Cụ thể như giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo, ngân hàng câu hỏi cho các trường nghiên cứu, mô hình, phần mềm mô phỏng, ảo hóa...

Cũng theo ông Lực, cần tháo gỡ vướng mắc trong đào tạo, nâng cao chất lượng GDNN. Điều này giúp giảm lượng giáo viên nghỉ việc hoặc học sinh bỏ giữa chừng.

Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, các trường cũng điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến qua các phần mềm hỗ trợ. Đã ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng bài giảng điện tử, hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với người học. Tuy nhiên, công tác này cũng gặp nhiều thách thức.

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh, cơ sở GDNN cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của người dạy, người học. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn trên diện rộng cho cả người dạy, người học. Đó là những kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin. Chú trọng khắc phục những hạn chế trong quá trình sử dụng công nghệ, lưu trữ lại bài giảng để người học xem khi cần.

Đồng thời, người học cũng cần xác định mục tiêu của việc học tập trực tuyến một cách rõ ràng. Từ đó, có sự chuẩn bị chu đáo về mặt tâm lý, thời gian, tâm thế một cách phù hợp. Ngoài ra, các cơ sở cần lựa chọn hệ thống phần mềm phù hợp phục vụ cho quá trình dạy học trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ