Trường nghề tung hàng loạt “chiêu thức” tuyển sinh

GD&TĐ - Trước hàng loạt những khó khăn, thách thức đặt ra, một số trường nghề phải chủ động đổi mới cách thức tuyển sinh thu hút người học.

Tuyển sinh đang là khó khăn lớn đối với GDNN. Ảnh minh họa
Tuyển sinh đang là khó khăn lớn đối với GDNN. Ảnh minh họa

Lao động thất nghiệp chưa mặn mà với đào tạo nghề

Tác động của dịch bệnh làm gia tăng tình trạng lao động thất nghiệp do doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giải thể.

Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Tham gia đào tạo nghề cho đối tượng lao động này là trách nhiệm, nhưng cũng giúp các trường nghề tháo gỡ phần nào khó khăn về tuyển sinh như hiện nay.

Tại Hà Nội, dự kiến có hơn 1 triệu lao động đủ điều kiện hưởng chính sách này. Đây sẽ là cơ hội để các trường nghề trên địa bàn có thêm người học. Nhiều trường cũng cho biết, năm nay sẽ mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh hệ sơ cấp, hướng đến đối tượng là người lao động mất việc làm, có nhu cầu đào tạo nghề.

Trước thực trạng lao động thất nghiệp chưa mặn mà với đào tạo nghề, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm cho rằng, công tác đào tạo chưa thực sự hấp dẫn. Một số cơ sở đang dạy những nghề không phù hợp nhu cầu tuyển dụng. Trong khi nhu cầu đào tạo nghề cao như các khóa ngắn hạn 3 - 6 tháng chưa được các trường chú trọng.

Do đó, các ý kiến cũng cho rằng, các khóa đào tạo hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP cần phải lưu ý khắc phục các bất cập nêu trên. Mục đích là bảo đảm hiệu quả của chính sách cũng như hỗ trợ thực sự cho người lao động.

Năm 2021, ngành GDNN đặt mục tiêu tuyển sinh 2,5 triệu người. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm, tuyển sinh GDNN cả nước mới chỉ được 645 nghìn người. Tức là mới chỉ đạt 27,2% kế hoạch.

Tại Hội nghị Sơ kết toàn ngành GDNN 6 tháng đầu năm, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng thẳng thắn nhìn nhận: “GDNN đang gặp hàng loạt khó khăn!”.

Theo chuyên gia, thời gian tới, dạy nghề phải gắn với tạo việc làm. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo ở nước ta.

Trong khi, phần lớn chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo hiện nay là các khóa ngắn hạn, truyền nghề, cầm tay chỉ việc ở một số ngành, nghề đơn giản… Cách tiếp cận này chưa thực sự hiệu quả, bền vững do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất cũng như biến động của thế giới hiện tại như đại dịch, biến đổi khí hậu…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng: Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã rất nỗ lực trong việc thiết kế và đưa ra nhiều giải pháp giúp người dân thoát khỏi đói nghèo.

Đặc biệt, sự chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ có điều kiện đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, cùng với việc trang bị kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng lao động, sản xuất thì phải tạo ra môi trường để người nghèo thể hiện những kiến thức, kỹ năng đã học được. Cùng với đó, cần tăng cường hỗ trợ nguồn vốn, xây dựng mô hình sinh kế tạo việc làm cho người nghèo, nhất là đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường nghề “tung chiêu”

Nhiều trường nghề phải thay đổi phương thức tuyển sinh để thu hút người học trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số trường đã cam kết chất lượng đào tạo với người học. Đặc biệt là cam kết việc làm hấp dẫn sau khi ra trường.

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Phụ trách Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hoạt động đào tạo của trường phải thay đổi để thích ứng.

Theo đó, trường đã chuyển từ dạy học truyền thống sang áp dụng bài giảng điện tử, dạy học theo dự án… Để hình thức đào tạo này thực sự hiệu quả, các khoa chuyên môn, nhà giáo trực tiếp giảng dạy phải dành thời gian trò chuyện online cùng người học. Qua đó lắng nghe, tư vấn, hỗ trợ để học viên đạt được kết quả cao nhất trong học tập.

Trước mỗi khóa học, Trường Cao đẳng Viễn Đông cũng ký cam kết bảo đảm việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nếu người học ra trường không có việc đúng ngành hoặc lương thấp, trường này cam kết hoàn trả học phí.

Những cam kết này cũng đồng thời là tiêu chuẩn để đánh giá, buộc các trường phải tự đổi mới, từ đó tạo dựng uy tín với người học.

ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP Hồ Chí Minh cho biết, để đạt được tỷ lệ 100%  các em ra trường có việc làm thì không thể chỉ nói miệng. Điều này đòi hỏi trường phải nói thật, làm thật. Tức là người học phải tìm được thứ mình cần, đó là cơ hội việc làm và mức đãi ngộ tương xứng sau khi tốt nghiệp.

“Trường giao trách nhiệm cho từng khoa và có tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc cụ thể. Nếu không bảo đảm cam kết với người học, các bộ phận, cá nhân liên quan sẽ bị đánh giá thấp điểm và có thể bị cắt một số quyền lợi” – ông Nguyễn Đăng Lý cho biết.

Tương tự, từ nhiều năm nay, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội ký cam kết với người học sẽ trả lại 100% học phí nếu sinh viên học nghề xong không có việc làm...

Theo ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, để có được cam kết này, trường đã có những thay đổi trong công tác đào tạo. Nhà trường giảng dạy hoàn toàn bằng phương pháp tích hợp lý thuyết và thực hành. Bên cạnh đó, trường đã duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đây là nguồn bảo đảm việc làm cho học sinh, sinh viên của trường.

Trước đó, một số trường cao đẳng gặp khó khăn trong tuyển sinh đã phải sáp nhập hoặc giải thể, TS Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, muốn tuyển sinh được cần cả một quá trình xây dựng và phát triển. Giá trị cốt lõi phải đạt được là đảm bảo chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp phải được doanh nghiệp đánh giá cao, có kỹ năng nghề nghiệp tốt. Đồng thời, có tác phong công nghiệp, có tư duy giải quyết các vấn đề.

Hơn nữa, nhà trường cần đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh. Hoạt động tư vấn tại trường phổ thông, tư vấn tập trung cần được tổ chức theo khu vực. Những buổi hướng nghiệp cần có sự tham gia, đồng hành của đội ngũ giảng viên nhằm giúp thí sinh hiểu về ngành, nghề mà mình muốn đăng ký học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.